Nhiều địa phương chờ gỡ vướng thủ tục khai thác khoáng sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cùng với việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tại nhiều dự án đầu tư trên khắp cả nước, nhu cầu vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường tăng cao. Trong khi đó, theo nhiều địa phương, việc khai thác các mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến có mỏ mà không khai thác được, để tháo gỡ cần sửa đổi quy định của pháp luật về khoáng sản.
Tình trạng thiếu đất, cát và nguyên nhiên vật liệu thi công vẫn là nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân công trình. Ảnh: Lê Tiên
Tình trạng thiếu đất, cát và nguyên nhiên vật liệu thi công vẫn là nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân công trình. Ảnh: Lê Tiên

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong báo cáo tình hình giải ngân đầu tư công 5 tháng đầu năm 2024, tình trạng thiếu đất, cát và nguyên nhiên vật liệu thi công vẫn là nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân công trình. Rà soát khó khăn, vướng mắc tại các dự án đầu tư, Bộ KH&ĐT cho biết, nhiều địa phương báo cáo vướng mắc liên quan đến vấn đề khai thác mỏ khoáng sản làm VLXD thông thường.

Báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ ra, theo quy định của pháp luật về khoáng sản, đất san lấp là khoáng sản làm VLXD thông thường, thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản thuộc UBND cấp tỉnh. Quy định về thủ tục cấp phép giống như mỏ khoáng sản khác. Việc cấp phép hoạt động khoáng sản phải bảo đảm nguyên tắc, điều kiện, thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản, như: đấu giá, thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập dự án đầu tư, lập báo cáo ĐTM và phương án cải tạo phục hồi môi trường, xin cấp quyết định chủ trương đầu tư… Trong khi đó, đất san lấp có giá trị thấp, phương pháp khai thác lộ thiên và thiết bị khai thác đơn giản. Vì vậy, việc quy định thủ tục cấp phép giống khoáng sản khác là không hợp lý, mất nhiều thời gian dẫn đến khó khăn khi thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn Tỉnh.

Ngoài ra, hiện nay, một số mỏ đá vôi, đá cát kết làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được cấp trước khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, thường có diện tích và trữ lượng rất lớn (đến trên chục triệu m3), trong khi trữ lượng được phép khai thác chỉ chiếm từ 10 - 30% trữ lượng của mỏ. Thực hiện Nghị định số 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là trữ lượng địa chất của mỏ, do vậy, các doanh nghiệp phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho một lượng rất lớn khoáng sản mà doanh nghiệp không được phép khai thác, dẫn đến số tiền cấp quyền lớn (từ trên 10 tỷ đồng đến trên 100 tỷ đồng). Vì vậy, phần lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn trong đầu tư khai thác và nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Để tháo gỡ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định số 203/2013/NĐ-CP, nhưng chỉ điều chỉnh khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, đá ốp lát (thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường), chưa điều chỉnh với khoáng sản làm VLXD thông thường, do vậy, chưa tháo gỡ được khó khăn nêu trên của doanh nghiệp.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng phản ánh, với các mỏ đất đắp phục vụ thi công dự án, việc thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản với các trường hợp khai thác đất, vật liệu san lấp sử dụng để đắp, san lấp cho các dự án không thuộc phạm vi dự án đã phê duyệt mất nhiều thời gian, qua nhiều bước… Trong khi đó, Tỉnh đang thiếu các mỏ đất đắp để phục vụ thi công các công trình, đặc biệt là công trình quy mô lớn.

Tại Đắk Nông, trữ lượng quặng bô-xít lớn chiếm khoảng 27% diện tích tự nhiên của toàn Tỉnh, do đó, trong diện tích quy hoạch bô-xít luôn tồn tại xen kẽ khoáng sản làm VLXD thông thường. Theo thống kê của Tỉnh, có hơn 2/3 các mỏ VLXD thông thường trên địa bàn nằm đan xen trong diện tích quy hoạch bô-xít. Nếu không cho sử dụng đất có lẫn quặng nằm trong diện tích các mỏ khoáng sản VLXD thông thường và đất san lấp thuộc khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác bô-xít thì sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ cho công tác xây dựng cơ bản của Tỉnh.

Các địa phương gặp vướng mắc đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ xem xét, sửa đổi các quy định theo hướng đơn giản hóa về trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ cấp phép khai thác đất san lấp…

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật Khoáng sản bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện, như việc khai thác khoáng sản làm VLXD, nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm VLXD thông thường để phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công…; việc khai thác, sử dụng khoáng sản đi kèm khai thác khoáng sản chính… Tại Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, các thủ tục hành chính đã được rà soát, đơn giản hóa tối đa trình tự, thủ tục giải quyết. Trong đó, đối với khoáng sản nhóm IV (bao gồm các loại đất sét, đất đồi; đất lẫn đá, cát, cuội, sỏi hoặc đất, sét có tên gọi khác chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp; đất đá thải mỏ), thay vì phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác thì chỉ cần thực hiện đăng ký khai thác khoáng sản, cắt giảm 90% thời gian và kinh phí cho doanh nghiệp.

Chuyên đề