Nhiều chủ đầu tư dự án trốn lập báo cáo ĐTM

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhằm thực hiện đúng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư đã bỏ qua bước này, đi thẳng vào thi công dự án, hoàn tất và bán sản phẩm.
Dự án The Manor Central Park của Công ty CP Bitexco thi công, bán nhà khi chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ảnh: Lê Tiên
Dự án The Manor Central Park của Công ty CP Bitexco thi công, bán nhà khi chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều đơn vị vi phạm

Nghị định số 18-2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường nêu rõ: Nhóm dự án về xây dựng gồm xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các khu dân cư có diện tích từ 5 ha trở lên phải thực hiện ĐTM.

Việc lập báo cáo ĐTM là bắt buộc đối với doanh nghiệp để biết tầm ảnh hưởng của dự án đến môi trường so với mức tiêu chuẩn quy định, từ đó thẩm định xem có cấp quyết định phê duyệt dự án hay không?

Pháp luật quy định rõ ràng, tuy nhiên, thực tế cho thấy, bằng cách nào đó nhiều doanh nghiệp đã bỏ qua bước thực hiện ĐTM, tiến thẳng vào thi công, hoàn tất và bán sản phẩm cho khách hàng.

Công ty CP Bách Đạt An (trụ sở tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) là chủ đầu tư hai dự án lớn gồm Khu đô thị Bách Đạt tại Điện Nam, Điện Ngọc và Khu đô thị số 7B mở rộng tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc gần đây bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam xử phạt 600 triệu đồng vì không có báo cáo ĐTM đã phân lô bán đất cho khách hàng. Do chưa có báo cáo ĐTM, hai dự án chưa được cấp “sổ đỏ” đã đẩy rủi ro cho hàng trăm khách hàng.

Tại Quảng Ngãi, hồi đầu năm nay, cơ quan chức năng cũng xử phạt hàng loạt chủ đầu tư vì không có ĐTM được phê duyệt theo quy định pháp luật song vẫn ngang nhiên triển khai dự án. Cụ thể: Công ty CP Phát triển bất động sản Gia An bị phạt 300 triệu đồng vì xây dựng Dự án Khu dân cư nông thôn mới Gia An - Nghĩa Kỳ không có ĐTM; Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phong Thành bị phạt 80 triệu đồng và đình chỉ thi công dự án 6 tháng vì không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định.

Gần đây nhất, Dự án The Manor Central Park do Công ty CP Bitexco làm chủ đầu tư cũng bị Tổ công tác của UBND huyện Thanh Trì, Hà Nội chỉ ra sai phạm khi xây xong 500 căn liền kề, biệt thự bán cho khách hàng, đã có dân về ở nhưng chưa có báo cáo ĐTM. Đáng lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên Bitexco xem thường tính pháp lý của báo cáo ĐTM. Hồi năm 2016, Bitexco cũng bị tố sai phạm khi được cấp giấy phép xây dựng trước khi có quyết định phê duyệt ĐTM.

Cần xử lý nghiêm

Thừa nhận tình trạng trốn lập báo cáo ĐTM tại Việt Nam còn phổ biến, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS. Đặng Hùng Võ khẳng định, đây là hành vi vi phạm rất nặng và phải xử lý đúng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Theo ông Võ, một dự án có thể gây ô nhiễm môi trường, vì vậy, xây dựng, thẩm định và phê duyệt ĐTM là một công cụ quản lý môi trường quan trọng đối với dự án đầu tư. Doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện báo cáo ĐTM, nếu không sẽ không được phê duyệt đầu tư. Pháp luật quy định xử phạt đã rõ ràng, mặc dù mức xử lý phạt tiền không cao nhưng sẽ có hình thức phạt bổ sung và buộc doanh nghiệp phải khắc phục vi phạm. “Một dự án chưa có ĐTM mà đã xây dựng hoàn tất và bán sản phẩm cho khách hàng thì chắc chắn là chưa được cấp “sổ đỏ”, cuối cùng khách hàng nhận nhà phải chịu thiệt hại. Do đó, phải yêu cầu chủ đầu tư sớm bổ sung, lập báo cáo ĐTM để cơ quan chức năng thẩm định. Trong trường hợp phát hiện dự án tác động môi trường vượt quy định, cơ quan chức năng phải đưa ra nhiều hạng mục buộc doanh nghiệp tuân thủ”, ông Võ nhấn mạnh.

Dẫn chứng Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho hay, doanh nghiệp vi phạm có thể bị xử phạt từ 180 - 200 triệu đồng đối với hành vi không lập ĐTM của dự án theo quy định. Bên cạnh đó, còn đối diện hình thức xử phạt bổ sung là phạt tiền hoặc đình chỉ hoạt động từ 3 - 6 tháng để khắc phục.

Trả lời câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai khi để một dự án không có báo cáo ĐTM nhưng vẫn triển khai thi công, bán sản phẩm, Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, ngoài doanh nghiệp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức lợi dụng quyền hạn bao che cho người vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc thiếu trách nhiệm để xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chuyên đề