Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Trước những lo ngại của nhiều doanh nghiệp và người dân về tình trạng thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt sẽ xảy ra trong mùa khô năm nay, đâu là giải pháp để đảm bảo cung ứng điện?
Khô hạn nghiêm trọng
Đánh giá về công tác cấp nước chống hạn của các hồ thủy điện trong quý I/2016, EVN cho biết, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng. Lưu lượng nước về tại hầu hết các hồ thủy điện trong khu vực đều giảm thấp hơn so với giá trị trung bình nhiều năm, trong đó nhiều hồ có giá trị lưu lượng nước về là cực hạn trong chuỗi quan trắc nhiều năm (như Bản Vẽ, Hủa Na, Cửa Đạt, Quảng Trị, Bình Điền, A Vương, Đăk Rinh, Ka Nak, Krông H’năng, Pleikrông, Ialy, Hàm Thuận, Đại Ninh, Đồng Nai 3, Trị An, Thác Mơ…). Tổng lượng nước về các hồ thủy điện miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam hiện chỉ đạt 3,29 tỷ m3, thấp hơn dự kiến 1,84 tỷ m3.
Tổng công ty Phát điện 1 (EVNGENCO 1) hiện đang quản lý nhiều nhà máy thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam cũng thông tin, từ đầu năm 2016 đến nay, do thiếu nước, sản lượng khai thác từ các nhà máy này mới đạt khoảng 10% kế hoạch năm.
Trong tháng 4/2016, khô hạn vẫn diễn ra gay gắt ở miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, EVN đã phải khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than, huy động các nguồn nhiệt điện dầu, kết hợp vận hành hợp lý các nhà máy thủy điện để bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phục vụ sản xuất nông nghiệp và các nhu cầu dân sinh ở hạ du.
Với cách thức huy động như vậy, EVN nhận định, việc cung cấp điện trên toàn quốc sẽ được bảo đảm. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành có thể xảy ra sự cố trên lưới điện, nên cũng có thể xảy ra mất điện cục bộ.
Cần giải pháp bảo đảm cấp điện
Ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia thông tin, trong 3 tháng đầu năm 2016, tổng lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam thấp hơn 1,9 tỷ m3 so với cùng kỳ năm 2015, bằng 62,9% so với kế hoạch năm, quy ra điện tương ứng thiếu hụt 815 triệu kWh.
Trên cơ sở tính toán thiếu hụt như vậy, ông Khu cho rằng, trong các tháng cao điểm mùa khô sắp tới, để bảo đảm cung cấp đủ điện, các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí sẽ được khai thác tối đa, trong trường hợp cần thiết có thể phải huy động các nhà máy nhiệt điện dầu. Đồng thời, tận dụng mọi khả năng và thời điểm để truyền tải điện với công suất cao nhất từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam.
Mùa khô năm 2016, sản lượng truyền tải điện từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam tiếp tục tăng và cao hơn nhiều so với các năm trước và truyền tải Bắc - Trung luôn được khai thác ở mức gần đạt giới hạn truyền tải cho phép. Ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho rằng, về lâu dài, sẽ phải ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành, vận hành an toàn, thực hiện các giải pháp sửa chữa trên lưới không cắt điện. Hướng tới mục tiêu là thỏa mãn nhu cầu điện cho các tỉnh, thành phía Nam.
EVNGENCO 1 cũng cho biết, đơn vị này đang phải khai thác triệt để công suất các nhà máy nhiệt điện và yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3. Mục tiêu đến tháng 6/2016 sẽ đưa 1 tổ máy Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 vào vận hành thử nghiệm và đến cuối năm sẽ đưa vào vận hành thương mại, nâng cao năng lực cung cấp điện cho các tỉnh, thành phía Nam.