Nhanh và chậm trong cuộc đua Basel II

(BĐT) - Đã có 11 ngân hàng đáp ứng yêu cầu tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Một số ngân hàng nhỏ hoàn thành trước hạn, trong khi một số ngân hàng lớn và ở trong diện thí điểm hoàn thành sớm lại đang phải gồng mình chạy đua.
Tính đến ngày 24/9, đã có 11 ngân hàng thương mại đã được Thống đốc NHNN có quyết định áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn. Ảnh: Lê Tiên
Tính đến ngày 24/9, đã có 11 ngân hàng thương mại đã được Thống đốc NHNN có quyết định áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn. Ảnh: Lê Tiên

Một số ngân hàng sẽ không kịp thời hạn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Shinhan Việt Nam (SHB VN) áp dụng Thông tư 41. Theo đó, SHB VN chịu trách nhiệm: thực hiện chuyển hoạt động chính thức từ hệ thống chính sang hệ thống dự phòng đối với hệ thống GIS/RISK theo đúng kế hoạch; tuân thủ quy định tại Thông tư 41 và thực hiện chế độ báo cáo thống kê về tỷ lệ an toàn vốn đối với Thông tư 41 theo hướng dẫn của NHNN…

Trước Shinhan, đã có 10 ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước đáp ứng yêu cầu này. Đến nay, có 17 ngân hàng thương mại đăng ký áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn (bao gồm 15 NHTM trong nước và 2 ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam).

Như vậy, tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn này đang bị chậm so với lộ trình của Chính phủ. Nghị quyết 24/2016/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết 27/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ mục tiêu: “Đến năm 2020, cơ bản các NHTM có mức vốn tự có theo Chuẩn mực của Basel II, trong đó, có ít nhất 12 - 15 NHTM áp dụng thành công Basel II”.

Ngay từ năm 2013, có 10 ngân hàng được chọn để thí điểm là những ngân hàng lớn nhất lúc bấy giờ, bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Sacombank, MB Bank, Techcombank, ACB, VIB, Maritime Bank (MSB) và VPBank.

Đến thời điểm này, BIDV và VietinBank vẫn chưa thể hoàn thành việc này. Trong khi đó, các ngân hàng không ở trong diện thí điểm là OCB và TienphongBank lại về đích trước hạn.

Riêng với BIDV, theo nguồn tin từ NHNN, tổ chức tín dụng này đã đăng ký sẽ hoàn tất việc tăng vốn trong quý III và về đích Thông tư 41 đúng hạn.

Với các ngân hàng không thể hoàn tất việc này theo đúng thời hạn tại Thông tư 41, Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã mở ra một “đường thoát”. Theo đó, các ngân hàng này sẽ áp dụng theo quy định tại Thông tư thay thế Thông tư 36.

NHNN cho biết, trong quá trình nghiên cứu xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 36 và báo cáo của các ngân hàng về khả năng áp dụng Thông tư 41, một số NHTM không có khả năng thực hiện Thông tư 41 kể từ ngày 1/1/2020 do đang thực hiện quá trình sáp nhập, hợp nhất, gặp khó khăn về năng lực tài chính, cơ cấu lại danh mục tài sản.

Do đó, để tạo điều kiện cho các ngân hàng này, NHNN bổ sung điều khoản cho phép các NHTM chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 kể từ ngày 1/1/2020 thì thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư thay thế Thông tư 36. Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36 cũng đặt ra các quy định khắt khe hơn về hệ số rủi ro và đòi hỏi cao hơn về quản trị so với quy định cũ.

Nhỏ mà năng động sẽ về đích trước

Bình luận về tiến độ đạt chuẩn Basel II theo quy định tại Thông tư 41, TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng cho rằng, việc 100% ngân hàng về đích đúng hạn của Thông tư 41 là một thách thức rất lớn. Theo đó, để đáp ứng các tiêu chuẩn tại văn bản này, các ngân hàng phải nỗ lực rất nhiều về cả 3 trụ cột là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, minh bạch hóa thông tin, thay đổi hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ.

Cả 3 trụ cột đó đều phải thực hiện trên nền tảng cơ sở dữ liệu và hệ thống công nghệ thông tin. Việc nâng cấp 2 nền tảng này là không dễ dàng với các ngân hàng, đòi hỏi đầu tư lớn, có thể tốn kém đến hàng chục triệu USD và cần phải tiến hành đồng bộ.

Về hiện tượng một số ngân hàng quy mô nhỏ lại đáp ứng được các tiêu chuẩn này trong  khi các ngân hàng quy mô lớn lại chậm chân, nguồn tin của NHNN cho biết, một số ngân hàng nhỏ đã năng động hơn trong việc cơ cấu lại danh mục tài sản, rà soát lại quá trình quản lý tài sản bảo đảm để đạt hiệu quả tốt đồng thời với việc tăng vốn. Đây là cách làm căn cơ và mang lại hiệu quả lâu bền cho công tác quản trị của ngân hàng.

Còn theo ông Tín, sự chuyển đổi của ngân hàng lớn là khá khó khăn bởi họ có cơ sở dữ liệu rất lớn, hệ thống cồng kềnh hơn. Do đó, việc NHNN đề xuất cho các ngân hàng chưa đáp ứng yêu cầu của Thông tư 41 thì áp dụng theo Thông tư thay thế Thông tư 36 là phù hợp.

Chuyên đề