Nhanh chóng phục hồi kinh tế từ những cú sốc lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa bế mạc với nhiều quyết sách về kinh tế được các đại biểu biểu quyết thông qua. Nhiều địa phương và doanh nghiệp các tỉnh phía Nam đặt kỳ vọng vượt lên mọi khó khăn, thách thức, nhanh chóng khôi phục, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao đời sống người dân.
Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Ảnh: Tường Lâm
Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Ảnh: Tường Lâm

Để nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế, tại Kỳ hợp thứ 3 vừa qua, Quốc hội đã quyết nghị nhiều định hướng lớn, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt là khẩn trương triển khai đồng bộ và đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH)… nhằm khơi thông nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng, tạo động lực để vượt qua khó khăn, thách thức, nhanh chóng phục hồi và phát triển.

Cụ thể, đã có 5 dự án quan trọng quốc gia được xem xét quyết định chủ trương đầu tư, nâng tổng số dự án mà Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định chủ trương đầu tư trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ lên 6 dự án với tổng mức đầu tư 392.644 tỷ đồng. Đây đều là những dự án giao thông trọng điểm, cấp bách, có tác động lan tỏa, tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy sự phát triển KTXH của đất nước.

Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM; Dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội; các Dự án xây dựng đường bộ cao tốc: Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1). Quốc hội đã thống nhất áp dụng hình thức đầu tư theo phương thức PPP đối với dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội và hình thức đầu tư công cho 4 dự án còn lại, sử dụng tổng hợp cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, cả nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù chưa có tiền lệ được Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện...

Trước những quyết sách về kinh tế vừa được Quốc hội quyết nghị, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đây là dự án có ý nghĩa chiến lược và tạo bước phát triển đột phá về kinh tế cho An Giang và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Khi tuyến cao tốc được hoàn thành đầu tư, tỉnh An Giang sẽ phát triển toàn diện, đặc biệt là thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản và du lịch tốt hơn. Trong quy hoạch tới năm 2030 tầm nhìn 2050, tỉnh An Giang sẽ quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và đô thị bám sát tuyến cao tốc này để tạo đột phá trong phát triển kinh tế. Trước đây, các nhà đầu tư ngần ngại vì thiếu cao tốc nên An Giang chưa phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp các khu vực khác. Tới đây, với quyết sách của Quốc hội, hạ tầng giao thông được quan tâm và đầu tư đồng bộ, nhất là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ giúp cho các tỉnh nằm sâu trong nội vùng như An Giang tăng sức hấp dẫn đầu tư để phát triển bứt phá.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai, Đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương đánh giá: Tình hình kinh tế Việt Nam đang có đà phục hồi tích cực. Phía trước còn những biến số khó lường như: tình hình địa chính trị thế giới, áp lực lạm phát gia tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, sự bất ổn của thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản... Tuy nhiên, doanh nghiệp đặt niềm tin và hy vọng với quyết sách Quốc hội vừa thông qua về đầu tư công, gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH… sẽ được Chính phủ, các bộ, ngành địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ, hiệu quả nhằm khơi thông nguồn lực, tạo động lực để vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi kinh tế.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, người dân và doanh nghiệp Đồng Nai rất mừng khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Dự án sẽ nâng tầm một bước liên kết vùng Đông Nam bộ, giảm chi phí logictics cho doanh nghiệp trong hàng loạt các khu công nghiệp lớn tới Cụm cảng Quốc tế Cái Mép - Thị Vải và các cảng biển trên địa bàn Đồng Nai. Đặc biệt, tuyến cao tốc này kết nối với sân bay quốc tế Long Thành, phát huy toàn diện lợi thế và nâng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và trong khu vực, tạo thêm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Để triển khai Dự án cao tốc này, về phần mình, tỉnh Đồng Nai xác định công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là công tác trọng tâm và sẽ thực hiện thật nhanh. Hiện tại, Đồng Nai chủ động rà soát và chuẩn bị 3 khu tái định cư phục vụ 2.000 hộ dân cần tái định cư thuộc Dự án. Tỉnh Đồng Nai quyết tâm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai đúng tiến độ Dự án để thực hiện thành công chủ trương của Quốc hội.

Chuyên đề