Nhân tố mới trên thị trường vốn Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đảm nhận vai trò ngân hàng chỉ định thanh toán trên TTCK cơ sở từ năm 2000 và Ngân hàng Công thương Việt Nam đảm nhận vai trò ngân hàng chỉ định thanh toán trên TTCK phái sinh từ năm 2017, Vietcombank là nhà băng thứ 3 đảm nhận vai trò ngân hàng chỉ định thanh toán cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL) - thị trường có quy mô 1,2 triệu tỷ đồng, vừa đi vào hoạt động với nhiều thách thức phải xử lý.
Tuần hoạt động đầu tiên của Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ghi nhận 19 mã phát hành từ Tracodi, Vietcombank và Vinfast được đăng ký với tổng giá trị 9.000 tỷ đồng. Ảnh: Hà Thanh
Tuần hoạt động đầu tiên của Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ ghi nhận 19 mã phát hành từ Tracodi, Vietcombank và Vinfast được đăng ký với tổng giá trị 9.000 tỷ đồng. Ảnh: Hà Thanh

Góp sức xây thị trường mới

Ngày 30/6/2023, Vietcombank được Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức chọn làm ngân hàng thanh toán các giao dịch TPDNRL theo Quyết định số 538/QĐ-UBCK. Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ, đây là một dấu mốc quan trọng, mở ra một giai đoạn tham gia mạnh mẽ, sâu rộng hơn của Vietcombank trong xây dựng và phát triển thị trường TPDNRL nói riêng và thị trường trái phiếu nói chung.

Cũng theo ông Dũng, với vai trò là ngân hàng chủ lực của hệ thống tài chính ngân hàng, Vietcombank chủ động xây dựng hệ thống thanh toán chuyên biệt VCB C-Bond dành cho thị trường TPDNRL, đáp ứng toàn bộ các yêu cầu của Nghị định 153/2020/NĐ-CP, Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch TPDNRL tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế. Điểm nổi bật của hệ thống là đáp ứng yêu cầu thanh toán tức thời theo từng giao dịch, thông tin mua bán trái phiếu được cập nhật theo thời gian thực đến từng nhà đầu tư. “Đây là yếu tố mới, vượt trội tạo điều kiện cho dòng vốn của nhà đầu tư được luân chuyển nhanh, các thông tin giao dịch được cập nhật kịp thời, minh bạch và hiệu quả”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup

Theo thông lệ quốc tế và chuẩn mực về quản trị rủi ro trái phiếu, giá trị thị trường của TPDN sẽ phụ thuộc định mức xếp hạng tín nhiệm của tổ chức phát hành hoặc của chính trái phiếu, cũng như mức độ thanh khoản của trái phiếu. Khi đó, sẽ có cơ sở hình thành đường cong lợi tức và làm tham chiếu định giá. Việc này giúp công tác đánh giá hiệu quả của các quỹ trái phiếu minh bạch hơn và góp phần giảm rủi ro “bond-run” (yêu cầu tất toán/mua lại trái phiếu ngay lập tức), hoặc quá trình xác định giá cho giao dịch rút vốn của nhà đầu tư trong quá trình hoạt động của các quỹ.

Bên cạnh việc tham gia thị trường TPDNRL với vai trò ngân hàng chỉ định thanh toán, theo Chủ tịch Phạm Quang Dũng, Vietcombank còn là một tổ chức phát hành, thành viên lưu ký, thành viên giao dịch và thành viên niêm yết. Trong ngày khai trương Hệ thống giao dịch TPDNRL (19/7/2023), Vietcombank thực hiện đăng ký 15 mã trái phiếu do Ngân hàng phát hành.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Vũ Thị Thúy Ngà, Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, Hệ thống giao dịch TPDNRL ra đời trên cơ sở các văn bản pháp lý đã được Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành. Để đáp ứng yêu cầu thanh toán tức thời, trái phiếu của bên bán phải được lưu ký trên hệ thống của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam. Với bên mua, yêu cầu hiện nay là phải ký quỹ 100% số tiền cần mua trái phiếu. Giao dịch TPDNRL không có biên độ và Ngân hàng chỉ định thanh toán (Vietcombank) sẽ thực hiện thanh toán tức thời giao dịch khi các bên thống nhất trong điều kiện cả tiền - hàng đều sẵn sàng. Lãnh đạo HNX cho biết, Hệ thống giao dịch TPDNRL chỉ áp dụng hình thức giao dịch thỏa thuận, không cho phép margin (vay tiền để mua) trái phiếu.

Đưa thị trường 1,2 triệu tỷ đồng vào quy chuẩn

Với quy mô 1,2 triệu tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, kênh TPDN có độ lớn tương đương 10% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Một cách đo lường khác, 1,2 triệu tỷ đồng TPDN đang lưu hành tương đương 12,6% GDP năm 2022. Trong mục tiêu phát triển thị trường TPDN Việt Nam, Chính phủ định hướng đến năm 2030, quy mô thị trường sẽ đạt 20% GDP.

Ở quy mô 10% dư nợ tín dụng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, kênh TPDN đã chứng tỏ là một kênh huy động vốn quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, thị trường này đã xuất hiện những vấn đề bất cập như tái cơ cấu thị trường chưa cân bằng giữa phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ, số đông các doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn thuộc về những ngành có nhiều rủi ro cao. Cá biệt, lợi dụng việc quy định thông thoáng của Luật Doanh nghiệp khi thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, có một số doanh nghiệp còn vi phạm pháp luật về việc công bố thông tin, sử dụng vốn sai mục đích. Trong thời gian qua, nhà quản lý đã phải xử lý tình trạng một số doanh nghiệp giả mạo hồ sơ phát hành trái phiếu; một số tập đoàn đã tổ chức mua gom TPDN do các công ty con phát hành, sau đó phân phối lại cho các nhà đầu tư cá nhân thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư để kiếm lời…

Dòng tiền dễ dãi chạy theo sức hấp dẫn của lãi suất cao đã tạo nên quy mô 1,2 triệu tỷ đồng, nhưng hàng nghìn nhà đầu tư đang phải “ngậm trái đắng” khi không đòi được lãi và gốc từ doanh nghiệp phát hành và cũng không bắt vạ được tổ chức trung gian môi giới trái phiếu. Hệ lụy của mối quan hệ “dễ vay, khó trả” trên thị trường TPDNRL đã lên đến nghị trường Quốc hội, thúc đẩy Chính phủ, Bộ Tài chính phải tạo dựng thị trường trái phiếu có quản lý, để thị trường thực hiện được chức năng kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, nhưng đồng thời bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư.

Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khai trương ngày 19/7/2023 với sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ và một số bộ, ngành

Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khai trương ngày 19/7/2023 với sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ và một số bộ, ngành

Tuần hoạt động đầu tiên của Hệ thống giao dịch TPDNRL ghi nhận giá trị giao dịch thưa thớt khi sàn mới mới có 19 mã phát hành từ Tracodi, Vietcombank và Vinfast đã được đăng ký, với tổng giá trị đăng ký 9.000 tỷ đồng. Trong 3 tháng tới, SSI Research tính toán, sẽ có khoảng 733.000 tỷ đồng trái phiếu của khoảng 450 tổ chức phát hành phải đăng ký ở HNX, tạo nên một thị trường có quy mô khá lớn. Tuy nhiên, điểm khó là làm sao để thu hút dòng tiền đầu tư vào thị trường mới mẻ này.

Một số chuyên gia cho rằng, với tính chất là sản phẩm tài chính có giới hạn lợi ích tối đa là khoản trả gốc cộng lãi trái phiếu khi đáo hạn, thị trường TPDNRL chỉ hấp dẫn dòng tiền khi người bán chiết khấu đủ lớn, trong điều kiện các doanh nghiệp phát hành minh bạch thông tin và có năng lực tài chính thanh toán nợ đến hạn.

Một cách khác kỳ vọng sẽ tạo sức cầu với TPDNRL là với tiềm lực tài chính vững mạnh, ngân hàng chỉ định thanh toán (Vietcombank) sẽ từng bước phát triển một số sản phẩm, dịch vụ trên thị trường mới, tạo nên đối ứng cung - cầu hoặc hỗ trợ các bên công cụ định giá trái phiếu riêng lẻ. Theo đó, thị trường TPDN (gồm TPDNRL và TPDN phát hành đại chúng) có quy mô gần 13% GDP hiện nay sẽ được “vừa xây, vừa sửa”, hướng đến mục tiêu quy mô 20% GDP như Chính phủ đã định và tự tin song hành với các thị trường khu vực, như Thái Lan (quy mô bằng 25% GDP); Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP)…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư