Mục tiêu lạm phát năm 2020 có đạt được hay không sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt lợn trong thời gian tới |
Sức ép từ giá thịt lợn
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2019 tăng 5,23% so với tháng 12/2018; CPI bình quân năm 2019 tăng 2,79% so với năm trước.
Nhận định về xu hướng giá cả trong thời gian tới, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Bộ Tài chính cho rằng, mặc dù lạm phát có xu hướng giảm, nhưng mục tiêu lạm phát năm 2020 có đạt được hay không sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt lợn trong thời gian tới.
Do đó, ông Độ đưa ra 3 kịch bản chính cho diễn biến giá cả trong năm 2020. Cụ thể, kịch bản thứ nhất, nếu giá thịt lợn giảm mạnh ngay trong tháng Tết nhờ dịch tả lợn châu Phi kết thúc sớm, người nông dân tái đàn thành công, đồng thời Chính phủ bình ổn giá thịt lợn thông qua biện pháp nhập khẩu, lạm phát trung bình năm 2020 có thể chỉ ở mức 3%.
Kịch bản thứ hai, giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao như hiện nay trong quý I/2020 do nguồn cung chỉ phục hồi đầy đủ từ quý II/2019, khi đó, lạm phát trung bình cả năm 2020 có thể xoay quanh mức 3,5%.
Kịch bản tệ nhất xảy ra nếu dịch tả lợn châu Phi chưa thể kết thúc trong nửa đầu năm 2020 và lạm phát chỉ bắt đầu giảm từ giữa năm 2020. Trong trường hợp này, việc kiềm chế lạm phát dưới 4% là tương đối khó khăn, nhất là nếu xu hướng tăng của lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục trong những tháng tới.
Trong cả 3 kịch bản nêu trên, các yếu tố khác tác động đến lạm phát như giá dầu, tỷ giá, giá dịch vụ y tế, giáo dục được dự báo thay đổi không lớn. Cụ thể, giá dầu được cho là sẽ vẫn ổn định nhờ nguồn cung dầu đá phiến dồi dào, đồng thời, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại dẫn đến nhu cầu về dầu không cao.
Trong khi đó, tỷ giá cũng được dự báo chỉ dao động khoảng 1% trong năm 2020 nhờ nguồn cung USD dồi dào, dự trữ ngoại hối lớn, đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tỷ giá thận trọng nhằm giảm thiểu khả năng Mỹ áp đặt hạn chế thương mại đối với Việt Nam.
Giá dịch vụ y tế, giáo dục được dự báo sẽ chỉ điều chỉnh khi Chính phủ nhận thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2020 chắc chắn hoàn thành.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, CPI bình quân năm 2020 sẽ chịu nhiều áp lực nếu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương không chủ động kiểm soát, phối hợp chặt chẽ với nhau trong điều hành giá cả hàng hóa.
Do đó, ông Long khuyến nghị việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa, thiết bị nhập khẩu bằng các hàng rào kỹ thuật phù hợp; phấn đấu cân bằng cán cân thương mại bền vững. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn giá cả thị trường, nhất là trong thời điểm các dịp lễ, Tết hoặc các thời điểm xảy ra thiên tai, bão lũ…
Phối hợp chính sách chặt chẽ
Nhận xét về diễn biến giá cả trong năm qua, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, diễn biến chỉ số giá năm 2019 khá sát với dự báo của cả năm, nằm trong kịch bản tăng thấp, công tác điều hành giá đã đạt được thành công khi tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát thấp so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
“Mặc dù sức ép lên lạm phát còn nhiều, nhất là sức ép từ giá thịt lợn sẽ đẩy lạm phát trong quý I/2020 tăng trên 4%, nhưng Ban Chỉ đạo nhận thấy hoàn toàn khả thi khi kiềm chế lạm phát cả năm 2020 dưới 4% theo yêu cầu của Quốc hội trên nguyên tắc tuân thủ yêu cầu của thị trường, cung - cầu hàng hóa. Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu theo kịch bản CPI tăng từ 3,59% - 3,91% trong năm 2020”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành không điều chỉnh giá các dịch vụ công trong quý I và quý IV/2020; điều hòa cung cầu, bảo đảm nguồn cung cho nền kinh tế, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá tất cả các loại hàng chứ không riêng gì thực phẩm...
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương trong năm 2020 hoàn thành sửa biểu giá điện hiện hành, điều hành giá xăng dầu theo tín hiệu thị trường thế giới kết hợp với sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm nghiên cứu đề xuất sửa Luật Đất đai, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương đánh giá tác động của việc thay đổi khung giá đất theo Nghị định số 96/2019/NĐ-CP.