Để vươn ra thị trường bên ngoài, các nhà thầu rất cần được hỗ trợ về vốn. Ảnh: Lê Tiên |
Vươn lên từ thầu phụ
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP.Invest, trong lĩnh vực xây dựng, từ khi hội nhập theo cơ chế thị trường thì hầu hết những công trình khó và phức tạp đều là do các nhà thầu nước ngoài đảm nhận. Và khi đó, các nhà thầu Việt Nam chỉ đóng vai trò làm thầu phụ, làm thuê cho nước ngoài.
Song, thông qua quá trình làm thuê, làm thầu phụ mà nhiều nhà thầu đã dần trưởng thành, khẳng định được chỗ đứng của mình. “Thậm chí nhiều nhà thầu có những bước trưởng thành rất nhanh. Trong lĩnh vực xây dựng hiện nay đã có những nhà thầu tư nhân mạnh” – ông Hiệp nói.
Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Coteccons vừa chia sẻ với báo chí về câu chuyện lần thứ 6 Coteccons vượt qua nhiều nhà thầu quốc tế để trúng thầu “siêu dự án” The Landmark81. Theo đó, trong dự án này, Coteccons liên doanh cùng nhà thầu Obayashi (Nhật) đã chiến thắng rất nhiều nhà thầu nước ngoài nổi tiếng, để thắng thầu dự án. Ở dự án này, Coteccons giữ vai trò chủ đạo và chỉ nhận sự hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật từ Obayashi.
Khi nói về bí quyết thành công của mình, ông Dương cho rằng, do Coteccons đã chuẩn bị hồ sơ dự thầu rất kỹ. Coteccons đã đưa ra giá thành đúng, hợp lý; những giải pháp tiết kiệm cho chủ đầu tư để dự án thành công.
Nhà thầu sẽ phải vươn xa
Đánh giá về thị trường xây dựng, ông Nguyễn Bá Dương nhận định, hiện thị trường xây dựng Việt Nam vẫn còn phát triển bởi nhu cầu xây dựng hạ tầng vẫn còn lớn. Tuy nhiên, trong thời gian không xa, khi thị trường đã bão hòa thì các nhà thầu cũng cần tính đến bài toán vươn ra thế giới.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, hiện có nhiều nhà thầu Việt Nam đã có tiềm năng để sẵn sàng mở rộng thị trường. Song, các nhà thầu hiện nay vẫn còn “đang tự thân” để vươn ra các thị trường lân cận mà chưa có những hoạt động theo tổ chức cũng như chưa có những cơ chế khuyến khích nào cả. Các nhà thầu hướng ra thị trường quốc tế vẫn chủ yếu là “tự mò mẫm”.
Do đó, để phát triển thị trường, cũng cần những cơ chế hỗ trợ về vốn. Bởi, so với nhà thầu nước ngoài thì vốn của các nhà thầu Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế. Để các nhà thầu có tích lũy tái đầu tư thì cần có những hỗ trợ đặc biệt về vốn và cả chính sách thuế.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cho rằng, cơ chế chuyển lợi nhuận đối với nhà thầu khi thực hiện các dự án tại nước ngoài cũng đang là một trong những rào cản của nhà thầu Việt khi muốn tham gia các dự án ở các quốc gia khác. Theo đó, việc chuyển lợi nhuận từ nước ngoài về hiện nay đang bị đánh thuế quá lớn. Trong khi đó, các nhà thầu Nhật Bản hay Hàn Quốc khi tham gia dự án tại Việt Nam, kiếm được lợi nhuận và khi chuyển tiền về trong nước thì lại vô cùng thuận lợi. Sự khác biệt này buộc các nhà thầu trong nước phải tính toán thua thiệt trong việc có nên hay không khi tham gia các dự án ở nước ngoài. Điều này làm cho lợi thế cạnh tranh của nhà thầu Việt thấp hơn so với các nhà thầu nước ngoài.
Trên cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, Hiệp hội đang tập hợp những ý kiến của nhà thầu để có kiến nghị tới cơ quan quản lý về những nội dung, cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể khi nhà thầu Việt bước ra sân chơi khu vực và thế giới.