Nhà thầu thiệt đơn thiệt kép vì chưa được tính đủ chi phí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, cùng với tác động của đại dịch Covid-19, nhiều công trình, dự án gặp khó khăn do giá vật liệu xây dựng tăng mạnh.
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang

Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang

Trước đây, trong đấu thầu xây lắp, chủ đầu tư thường tham khảo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố hàng năm để xây dựng giá gói thầu. Trung bình, trong giai đoạn trước năm 2020, mỗi năm, giá vật liệu xây dựng tăng trên dưới 5%, do vậy khi đưa ra giá bỏ thầu, nhà thầu có tính đến chi phí dự phòng này để đảm bảo có lãi khi trúng thầu.

Tuy nhiên, hiện nay, tác động tiêu cực của dịch bệnh đã làm cho giá vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng… tăng đột biến từ 20 - 50%, vượt xa mức dự phòng chi phí thông thường. Ảnh hưởng lớn nhất phải kể đến những gói thầu áp dụng hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định. Không chỉ với những gói thầu quy mô nhỏ, mà cả những công trình có giá trị trên 20 tỷ đồng với thời gian thi công trên 2 - 3 năm cũng gặp không ít khó khăn.

Với biến động giá cả ngoài sự tính toán của nhà thầu, nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp điều chỉnh, giải quyết kịp thời, thì nhà thầu đứng bên bờ vực phá sản là hiện hữu.

Đối với các công trình sử dụng đất khai thác ở nơi khác để san lấp, giá gói thầu mới chỉ tính giá đất san lấp, mà chưa cộng vào tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường… Chi phí này chiếm khoảng 4 - 5% (tùy theo từng địa phương và thời điểm công bố). Ví dụ, ngoài giá đất san lấp là 30.000 đồng/m3, còn phải tính thêm 1.200 - 1.500 đồng/m3 tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường. Nếu không tính đúng, tính đủ chi phí như vậy sẽ khiến nhà thầu xây lắp thiệt đơn, thiệt kép.

Chuyên đề