Nhà thầu quay cuồng vì dầu tăng giá, khan hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ 15h ngày 5/9/2022, giá xăng E5 RON 92 giảm 370 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 430 đồng/lít và dầu diesel tăng 1.430 đồng/lít. Sau khi điều chỉnh, giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 23.350 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.230 đồng/lít, dầu diesel tăng mạnh lên 25.180 đồng/lít. Việc giá dầu, nhiên liệu đầu vào quan trọng đối với hoạt động xây dựng, cao hơn giá xăng khiến nhiều nhà thầu lo lắng.
Chưa khi nào mà các đơn vị thi công lại đau đầu vì giá cũng như tình trạng khan hiếm nhiên liệu như hiện nay. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Chưa khi nào mà các đơn vị thi công lại đau đầu vì giá cũng như tình trạng khan hiếm nhiên liệu như hiện nay. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ngay trong chiều 5/9/2022 và sáng 6/9/2022, trao đổi với phóng viên, nhiều nhà thầu xây lắp cho biết giá dầu đã vượt quá ngưỡng chịu đựng và rơi vào đúng dịp tăng tốc thi công khiến chi phí thi công có thể bị đội lên rất nhiều lần.

“Thực tế, với các công trình thi công từ năm 2021 đến nay, nhà thầu đã bắt đầu cảm thấy hụt hơi. Cụ thể, giá dầu tại thời điểm ký hợp đồng là 17.000 đồng/lít. Tuy nhiên, hiện tại, giá dầu đã vượt ngưỡng 25.000 đồng/lít. Mỗi lít dầu, nhà thầu thiệt gần 10.000 đồng. Trong khi thực tế từ vài tháng nay, tình trạng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, thông báo hết dầu rất phổ biến. Nhiều nhà thầu phải nhập dầu qua đầu nậu tại chợ đen với chênh lệch 2.000 đồng/lít. Như vậy, mỗi lít dầu vào đến công trình, nhà thầu phải chi trả đến gần 28.000 đồng”, ông Võ Chí Hải, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thương mại Thới Bình cho biết. Theo ông Hải, với dàn thiết bị, xe máy cơ giới phục vụ cho các gói thầu đang triển khai, mỗi ngày nhà thầu này phải mua tới 10.000 lít dầu, chi phí chênh lệch xấp xỉ 200 triệu đồng.

Ông Bùi Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trungnam E&C) cho biết, để phục vụ cho các phương tiện, thiết bị thi công, Công ty tốn 2,5 tỷ đồng chi phí mua dầu mỗi ngày. “Đây là chi phí cứng, thực tế, nhà thầu sẽ tốn thêm 10% tức 250 triệu đồng. Giá dầu quá cao cùng với tình trạng khan hàng, nguồn nhiên liệu cơ bản để phục vụ thiết bị công trình đang tác động trực tiếp đến hoạt động của các nhà thầu xây dựng. Tuy nhiên, bị ảnh hưởng nặng nề nhất hiện nay là các nhà thầu thi công đường cao tốc. Bởi đây đang là thời điểm vàng tăng tốc thi công, cần sử dụng tối đa dàn máy lu, máy xúc, máy ủi”, ông Hùng chia sẻ.

Chia sẻ của nhà thầu này hoàn toàn trùng khớp với tình trạng đang diễn ra tại các công trình đường cao tốc Bắc Nam. Trao đổi với phóng viên, một nhà thầu cho biết, chưa khi nào mà các đơn vị thi công cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo, đoạn qua tỉnh Bình Thuận lại đau đầu vì giá cũng như tình trạng khan hiếm nhiên liệu như hiện nay.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy, các nhà thầu thi công tuyến Dầu Giây - Phan Thiết đều bày tỏ nỗi lo không mua được dầu. Hàng loạt thiết bị cơ giới như máy lu, dàn xe ủi, máy xúc nằm dài, hoặc hoạt động cầm chừng vì nhà thầu không có nguồn mua dầu.

Đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, đơn vị thi công Gói thầu XL02 thuộc cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết lo lắng khi huy động nhiều nguồn, nhưng gần 2 tuần qua chưa thể tiếp cận được nguồn dầu đủ cung ứng cho hệ thống xe máy hoạt động. “Số lượng tiêu thụ của nhà thầu thường từ 5.000 đến 10.000 lít dầu nhưng các đại lý chỉ bán tối đa 100 lít. Chúng tôi phải tỏa đi khắp nơi, lùng sục nhiều nguồn nhưng vẫn không kiếm đủ dầu cho thiết bị vận hành”, đại diện nhà thầu này cho biết.

Đại diện Công ty CP Hải Đăng cũng bày tỏ lo ngại với nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu có thể lan rộng hơn khi có thêm 5 doanh nghiệp bị rút giấy phép và thị trường tiếp tục rơi vào vòng xoáy bất ổn. Các nhà thầu tham gia Dự án Cao tốc Bắc - Nam vốn đã gặp nhiều khó khăn, nay lại quay cuồng với bão giá và tình trạng khan hiếm nguồn cung nhiên liệu.

Chuyên đề