Nhà đầu tư nước ngoài vững tin vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) năm 2021 vừa được công bố cho thấy niềm tin của nhà ĐTNN vào môi trường đầu tư kinh doanh, triển vọng của Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư vẫn lựa chọn và tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Hơn nữa, dòng vốn đang có sự chuyển dịch ngày càng tích cực, phù hợp với định hướng thu hút ĐTNN.
Tính đến 20/12/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020 . Ảnh: Lê Tiên
Tính đến 20/12/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020 . Ảnh: Lê Tiên

Nhà đầu tư mạnh tay rót thêm vốn

Trong năm 2021, Hải Phòng đã vượt qua Long An để vươn lên dẫn đầu với trên 5,26 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký, chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, chủ yếu là đầu tư mở rộng dự án hiện hữu (chiếm 51,8% vốn) và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) với 42,1% vốn.

Nếu xét về số dự án, dù chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, nhưng năm 2021, TP.HCM vẫn dẫn đầu cả về số dự án mới, số lượt dự án điều chỉnh và GVMCP.

Còn theo Trung tâm Nghiên cứu, xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc (Trung tâm), 2021 là năm thu hút đầu tư FDI đạt cao nhất từ trước đến nay của Tỉnh. Tỉnh dự kiến thu hút được 57 dự án FDI, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt trên 1,015 tỷ USD, bằng 253,75% kế hoạch, tăng 50% so với năm 2020. Doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh vẫn bảo đảm sản xuất, phát triển. Có nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất như Công ty TNHH Hitachi Astemo Vĩnh Phúc, Công ty Prime Vĩnh Phúc, Công ty Jaffa Comfeed... Lãnh đạo Trung tâm cho biết, các cơ quan xúc tiến đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động tiếp cận nhà đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư qua trang thông tin điện tử, các nền tảng Internet, qua kênh ngoại giao thông qua các diễn đàn, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng cách chăm sóc tốt các nhà đầu tư đang sản xuất, kinh doanh tại Tỉnh. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên thành lập và phát huy có hiệu quả vai trò Tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (mô hình Investor Care)...

Theo số liệu vừa được Cục ĐTNN thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tính đến 20/12/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và GVMCP của nhà ĐTNN đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số dự án đăng ký mới giảm 31,1%, nhưng tổng vốn đăng ký mới đạt trên 15,2 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ 2020. Đặc biệt, lượt dự án đăng ký điều chỉnh cũng giảm, nhưng tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị GVMCP tuy giảm mạnh ở những tháng đầu năm song đã cải thiện trong các tháng cuối năm nên cả năm 2021 giá trị GVMCP chỉ giảm 7,7% so với năm 2020.

Dòng vốn dịch chuyển tích cực

Cục ĐTNN thông tin, số lượng dự án cấp mới, điều chỉnh và số lượt GVMCP đều giảm so với năm 2020. Sự suy giảm các dự án đầu tư mới chủ yếu tập trung vào nhóm dự án quy mô nhỏ (dưới 5 triệu USD và dưới 1 triệu USD). Trong năm 2021, số lượng dự án quy mô nhỏ dưới 5 triệu USD giảm 33,9%, các dự án có quy mô nhỏ dưới 1 triệu USD giảm 33,2% so với năm 2020.

Quy mô vốn bình quân dự án đầu tư mới cũng như điều chỉnh đều tăng lên so với năm 2020. Cụ thể, quy mô vốn bình quân dự án đầu tư mới đạt gần 8,8 triệu USD/dự án, cao hơn so với mức 5,8 triệu USD/dự án của năm 2020. Quy mô bình quân dự án điều chỉnh vốn là gần 9,2 triệu USD/lượt điều chỉnh, so với mức 5,6 triệu USD/lượt điều chỉnh của năm 2020.

Bên cạnh đó, nếu xét về số lượng dự án mới thì công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,7%, 28,1% và 16,7% tổng số dự án.

Một trong những nguyên nhân của sự chuyển hướng này, theo Cục ĐTNN, là vì chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam (giảm số lượng, tăng chất lượng) làm loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục ĐTNN nhận định, Việt Nam đang có cơ hội thu hút chọn lọc dòng vốn FDI có chất lượng phù hợp với nhu cầu. Việt Nam có thể tận dụng xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu để thu hút FDI phát triển một số lĩnh vực mới như: trang thiết bị y tế, sinh học, hóa dược, hóa sinh, dược phẩm... Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Apple, Foxconn, Exxon Mobil đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, dự kiến ĐTNN sẽ bứt phá trong năm 2022 khi các quốc gia đang dần mở cửa nền kinh tế, thích ứng với điều kiện bình thường mới.

Chuyên đề