Nhà băng cẩn trọng trước rủi ro tăng nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu được dự báo tăng trong nửa cuối năm do các khoản vay tái cơ cấu theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết thời hạn, nhiều ngân hàng đã chuẩn bị cho tình huống này với bộ đệm rủi ro tín dụng tương đối vững chắc.
Vietcombank dẫn đầu hệ thống ngân hàng với tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu đạt 506%, tăng mạnh so với con số 424,3% thời điểm đầu năm 2022. Ảnh: Song Lê
Vietcombank dẫn đầu hệ thống ngân hàng với tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu đạt 506%, tăng mạnh so với con số 424,3% thời điểm đầu năm 2022. Ảnh: Song Lê

Trong 6 tháng đầu năm, ngành ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan với mức lợi nhuận tăng trưởng từ 2 con số trở lên. Đơn cử như Vietcombank báo lãi trước thuế tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 17.373 tỷ đồng, Ngân hàng BIDV lãi trước thuế 11.084 tỷ đồng (tăng 37,5%), Techcombank báo lãi 14.100 tỷ đồng (tăng 22,3%), HDBank lãi 5.304 tỷ đồng (tăng 26,5%)…

Đóng góp lớn cho tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng đến từ hoạt động cốt lõi tín dụng khi tăng trưởng tín dụng được đẩy lên cao ngay từ đầu năm. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 30/6, tín dụng tăng 9,35% so với cuối năm 2021 (tăng 16,69% so với cùng kỳ năm ngoái). Đây là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong hơn 10 năm qua.

Lợi nhuận và tín dụng tăng mạnh nhưng chất lượng tài sản là điều đáng bàn khi nợ xấu (số tuyệt đối) tại nhiều ngân hàng cho thấy sự gia tăng đáng kể.

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính được 18 ngân hàng công bố, tổng nợ xấu nội bảng tính đến cuối quý II/2022 là 134.601 tỷ đồng, tăng 17,95% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) có quy mô 72.664 tỷ đồng, tăng 30,64%, mức tăng mạnh nhất trong các nhóm nợ.

SHB là một trong những ngân hàng có nợ xấu tăng nhanh nhất trong 6 tháng qua, tới 55,3%, từ mức 6.112 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 9.494 tỷ đồng cuối tháng 6/2022. Nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nhóm 4 (nợ nghi ngờ mất vốn) với mức tăng 189%, lên 4.628 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng của SHB cũng tăng từ 1,68% lên 2,54%.

Nợ xấu của Ngân hàng MB tăng tới 52,3% từ mức 3.268 tỷ đồng lên 4.975 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu từ mức 0,89% tăng lên 1,19%. Trong đó, nợ nhóm 5 tăng mạnh 123% lên 1.826 tỷ đồng. Một số ngân hàng khác cũng có nợ xấu tăng mạnh trong kỳ là VPBank (27%), Agribank (22,1%)…

Do tín dụng tăng mạnh đầu năm nên dù quy mô nợ xấu (số tuyệt đối) tăng nhanh nhưng tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng tại thời điểm cuối quý II/2022 của 18 ngân hàng chỉ tăng từ mức 1,41% đầu năm lên 1,51%. Trong đó, VPBank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu/cho vay khách hàng đứng đầu danh sách với 5,25% (con số này thời điểm đầu năm là 4,57%). Kết quả này phản ánh hệ quả tác động của dịch Covid-19 lên phân khúc tín dụng tiêu dùng đối với FE Credit - công ty con của VPBank.

Các ngân hàng còn lại đều duy trì được tỷ lệ này dưới mức 3% theo quy định của NHNN. Trong các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gia tăng, SHB và VIB có tỷ lệ nợ xấu cao nhất, lần lượt là 2,54% và 2,44%, kế đến là Agribank (2,15%), LienVietPostBank (1,4%), VietinBank (1,34%)… Ở chiều ngược lại, các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm là HDBank (nợ xấu ở mức 1,33%), Sacombank (1,27%), MSB (1,5%), Nam Á Bank (1,35%), Techcombank (0,6%), Vietcombank (0,6%), ABBank (2,3%)…

Theo đánh giá của nhóm nghiên cứu thuộc Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, nợ xấu tăng trong những tháng tới là điều đáng lưu ý khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu thời hạn trả nợ hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2022.

Tuy nhiên, chất lượng tài sản của các ngân hàng đã được cải thiện mạnh mẽ so với giai đoạn 2016 - 2017. Các ngân hàng đã trích lập dự phòng để tránh khả năng nợ xấu tăng cao, đồng thời tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức cao nhất lịch sử vào cuối năm 2021. Mặt khác, các nhà băng đã thực hiện trích lập tương đối đầy đủ dự phòng đối với các khoản nợ tái cơ cấu theo quy định tại Thông tư 14/2021/TT-NHNN. Nhờ chất lượng tài sản vững chắc và bộ đệm dự phòng mạnh mẽ, các ngân hàng có thể giảm thiểu rủi ro nợ xấu gia tăng trong thời gian tới.

Thống kê cho thấy, Vietcombank đang dẫn đầu hệ thống với tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu đạt 506%, tăng mạnh so với con số 424,3% thời điểm đầu năm. Điều này có nghĩa, với mỗi đồng nợ xấu, Vietcombank có tới 5,06 đồng dự phòng.

Tương tự, tại BIDV, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đến cuối tháng 6 đã được nâng lên 263%, thay vì mức 215% cuối năm 2021. Tại Techcombank, tỷ lệ này là 171,6% so với mức 162,85% đầu năm, trong khi tại VietinBank là 190% (con số đầu năm là 180,3%), TPBank là 161,4% (con số đầu năm là 152,59%), Sacombank là 138,38% (con số đầu năm là 120,9%)... Các ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp là SHB (63,1%), ABBank (52,2%), VIB (54%), VPBank (47,95%).

Chuyên đề