Nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế: Cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế lỗi thời, ép giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chỉ ra là vướng mắc trong cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT). Nếu lấy mục tiêu thanh toán là làm sao cho chi phí thấp nhất thì sẽ đẩy việc lựa chọn nhà thầu theo giá thấp nhất..., dẫn đến hàng hóa không bảo đảm chất lượng hoặc không chọn được nhà thầu, bệnh viện trở thành “con nợ” của nhà thầu… tạo nên một vòng luẩn quẩn.
Kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không vượt tổng mức thanh toán là khó khăn của các cơ sở y tế hiện nay. Ảnh: Tường Lâm
Kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không vượt tổng mức thanh toán là khó khăn của các cơ sở y tế hiện nay. Ảnh: Tường Lâm

Giảm chi, ép giá dịch vụ y tế

Theo Điều 24 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP (NĐ146), tổng mức thanh toán (TMTT) chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT cho cơ sở KCB hàng năm được tính dựa theo chi phí KCB BHYT năm trước liền kề tại cơ sở đã được cơ quan Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thẩm định quyết toán; hệ số k điều chỉnh do biến động về giá thuốc, hóa chất, vật tư y tế; cộng với chi phí thực tế phát sinh tăng hoặc giảm trong năm tại cơ sở… Việc thanh toán chi phí KCB BHYT thực hiện theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở KCB đã được thẩm định nhưng không vượt TMTT chi phí KCB BHYT. Hằng năm, căn cứ chỉ số giá thuốc, hóa chất, vật tư y tế do Tổng cục Thống kê công bố, Bộ Y tế thông báo hệ số k sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.

Trên thực tế, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho rằng, TMTT là số tiền cơ quan BHXH xác định lại cho từng bệnh viện, nhưng là xác định sau khi đã thanh quyết toán chi phí KCB của năm trước. Trong khi đó, toàn bộ chi phí này đều nằm trong phạm vi được hưởng. Mức hưởng của người tham gia BHYT đã hoàn thành và được cơ quan BHXH tổ chức giám định theo đúng quy định.

Thêm vào đó, việc xác định hệ số k là hệ số biến động về giá thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại các cơ sở KCB. Nhưng thực chất trong những năm qua, chỉ số k về nhóm thuốc do Tổng cục Thống kê tính toán chỉ căn cứ vào mặt hàng do hộ gia đình sử dụng chứ chưa căn cứ vào sự biến động giá thuốc sử dụng tại cơ sở KCB, nên TMTT thường thấp hơn nhiều so với tổng chi phí KCB BHYT.

Đó là chưa kể cơ quan BHXH luôn gây sức ép giảm chi ở tất cả các khâu trong quá trình lựa chọn nhà thầu (từ khi lập giá kế hoạch cho đến lựa chọn giá trúng thầu) và cả khi hoàn thành hợp đồng.

“Do khó tăng thu, nên BHXH đã chọn cách làm dễ hơn trong phạm vi quyền hạn của mình, đó là giảm chi, ép từ giá dịch vụ y tế cho đến giá thuốc, hoạt chất, vật tư y tế dù không đúng theo giá trị thực, ép càng rẻ càng tốt. Giá rẻ thì rất khó bảo đảm chất lượng. Thậm chí, mặc dù đã ép giá từ bước mua sắm, đấu thầu, nhưng cũng không dễ để được thanh toán... Đây là điều hết sức vô lý”, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nhấn mạnh.

Cần giải pháp khác để gỡ vướng

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế, nâng cao năng lực điều trị, nhiều ĐBQH đề nghị sớm sửa đổi quy định về TMTT BHYT tại NĐ146.

Theo ĐBQH Tạ Minh Tâm (Tiền Giang), cần phát huy vai trò của Hội đồng Quản lý BHXH để tháo gỡ và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc về vấn đề tài chính, BHYT thuộc thẩm quyền như trường hợp vượt trần TMTT của Quỹ BHYT. Cần thu hẹp khoảng cách giữa chi phí thực hiện dịch vụ KCB BHYT của cơ sở KCB và chi phí thanh quyết toán của cơ quan BHXH; rút ngắn thời gian thẩm định, thẩm tra, quyết toán, thanh quyết toán của BHXH đối với phần kinh phí đã được cơ sở KCB thực hiện.

Mặt khác, theo ông Tâm, cần sớm có khảo sát, đánh giá tác động của việc chậm thanh toán BHYT so với năm tài chính, cũng như việc chưa có sự thống nhất thanh toán đối với các cơ sở KCB, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm chi phí KCB BHYT, ĐBQH Lê Văn Cường (Thanh Hóa) cho rằng, Quỹ BHYT nên chi trả cho hệ thống cấp cứu trước viện hơn là chỉ tập trung cho giai đoạn cấp cứu, điều trị tại bệnh viện. Hiện nay, tuy số lượng bệnh nhân cấp cứu, điều trị nội trú chỉ chiếm khoảng 20%, nhưng chi phí chiếm tới gần 80% tổng chi phí KCB BHYT. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu tổ chức tốt hệ thống cấp cứu trước viện, sẽ giảm được khoảng 50% số ca tử vong mỗi năm, đồng nghĩa với việc tiết giảm từng ấy chi phí KCB BHYT.

Để giải quyết căn cơ những vướng mắc về cơ chế thanh toán BHYT hiện nay, theo khuyến nghị của một chuyên gia y tế, thay vì áp dụng trần thanh toán BHYT theo năm cho cơ sở KCB làm mất nhiều thời gian kiểm đếm từng viên thuốc, sợi chỉ, từng hồ sơ bệnh án như hiện nay, BHXH nên đa dạng hóa các gói dịch vụ y tế cơ bản và áp dụng trần thanh toán BHYT theo năm cho người tham gia BHYT, góp phần ngăn ngừa các hành vi trục lợi BHYT, giúp cơ sở KCB chủ động tính toán sử dụng thuốc, vật tư, dịch vụ hợp lý…

Chuyên đề