Nguồn lực nào cho phục hồi kinh tế?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính toán nguồn lực để thực hiện các kế hoạch hỗ trợ hồi phục kinh tế là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc tận dụng nguồn lực tài khóa như tiết kiệm chi thường xuyên, tăng bội chi, tăng vay nợ trong và ngoài nước, việc cắt giảm chi phí kinh doanh cũng là cách thức tạo nguồn lực hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục.
Bộ Tài chính ủng hộ các gói kích cầu để thúc đẩy kinh tế phát triển, sau đó quay trở lại thu ngân sách và sẽ giảm bội chi trong các năm sau. Ảnh: Lê Tiên
Bộ Tài chính ủng hộ các gói kích cầu để thúc đẩy kinh tế phát triển, sau đó quay trở lại thu ngân sách và sẽ giảm bội chi trong các năm sau. Ảnh: Lê Tiên

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 nhiều khả năng hoàn thành, thu NSNN ước vượt dự toán, chi ngân sách đảm bảo sát dự toán, bội chi NSNN khoảng 4% GDP theo Nghị quyết của Quốc hội. Đáng chú ý, Chính phủ đã ban hành một loạt chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và phòng chống dịch bệnh khoảng 200 nghìn tỷ đồng.

Theo kế hoạch của Chính phủ, trong thời gian tới, dự kiến vay nợ và nợ công đều tăng so với giai đoạn năm 2016 - 2020. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, tổng vay của Chính phủ là 1.852.000 tỷ đồng, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến vay 3.068.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với giai đoạn trước. Nợ công năm 2025 dự kiến gấp 1,6 lần so với năm 2020. Dù vậy, Bộ Tài chính ủng hộ các gói kích cầu để thúc đẩy kinh tế phát triển, sau đó quay trở lại thu ngân sách và sẽ giảm bội chi trong các năm sau.

“Bộ Tài chính đang tham mưu Chính phủ về gói hỗ trợ lãi suất, mỗi năm khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Nếu thực hiện trong 5 năm thì khoảng 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế. Việc hỗ trợ này sẽ giúp tạo việc làm, thúc đẩy kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách, từ đó giảm bội chi cho giai đoạn sau”, ông Phớc nói.

Về nguồn lực cho việc thực hiện các kế hoạch phục hồi kinh tế, có ý kiến cho rằng có thể huy động theo tiến độ thực hiện, giải ngân của từng chương trình thành phần, nhiệm vụ chi cụ thể.

Theo đó, các nguồn huy động ngân sách nhà nước chủ yếu là: nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; thực hiện cơ chế điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi; nguồn phát hành trái phiếu chính phủ; huy động các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và Quỹ dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết; nguồn vay các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)... Hơn nữa, có thể bổ sung thêm kinh phí từ ngân sách trung ương, từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và có giải pháp huy động hợp lý mọi nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện.

Theo TS.Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, để thực hiện các kế hoạch phục hồi kinh tế trong thời gian tới, cần dựa nhiều hơn vào chính sách tài khóa và nên chú trọng hỗ trợ trực tiếp. Về nguồn lực, theo ông Thành, giả sử nếu chấp nhận thâm hụt ngân sách thêm 2% GDP, tức là từ 4% GDP lên 6% GDP, chúng ta có thể có thêm 7 tỷ USD. Nguồn tiền này có thể đến từ việc vay mượn trong nước và quốc tế, hiện thị trường thế giới tương đối thuận lợi cho việc này. Nguồn lực tiếp theo cần tính đến là tiếp tục tiết giảm chi thường xuyên, hiện chi thường xuyên chiếm 70% tổng chi NSNN. Nếu tiết kiệm được 10% chi thường xuyên cũng có thể mang lại con số đáng kể. Bên cạnh chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cũng cần có các giải pháp “bất thường”, trong đó, có thể tìm các kỹ thuật để dùng một phần dự trữ ngoại tệ. Ở khía cạnh khác, theo TS.Võ Trí Thành, việc cắt giảm chi phí kinh doanh cũng là một nguồn lực đáng kể để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Cùng quan điểm, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thực hiện các giải pháp đột phá về mặt thể chế để khơi dậy tiềm năng phát triển lâu dài cũng là nguồn lực quan trọng, bên cạnh các giải pháp tiền tệ, tài khóa. Các thủ tục hành chính rút gọn để đẩy mạnh đầu tư công trong 2 năm phục hồi nền kinh tế trước mắt là giải pháp đáng chú ý; trong đó, cần thực hiện việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra; thực hiện tối đa các thủ tục trên nền tảng trực tuyến. Việc áp dụng cơ chế đặc thù, rút gọn trong 2 năm này sẽ là bước thử nghiệm cần thiết cho những cải cách thể chế đột phá được kỳ vọng trong những năm tiếp theo.

Chuyên đề