Tòa án đã có “cây gậy công lý”
Hội nghị đã thông tin sâu rộng về Nghị quyết nêu trên đến các thẩm phán và cán bộ, công chức tòa án để nghiêm túc thực hiện. Đây cũng là dịp để giới thiệu Nghị quyết đến các cơ quan, tổ chức và nhân dân để theo dõi, giám sát.
Nghị quyết quy định 8 điều và chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2019. Trong đó, Nghị quyết quy định rõ hơn về các hành vi như: thế nào là trốn đóng bảo hiểm, thế nào là gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền BHXH, BHYT, BHTN.
Theo Nghị quyết này, ngành tòa án sẽ căn cứ vào 4 tình tiết để định hình khung hình phạt như: không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động; phạm tội 2 lần trở lên; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; có tính chất chuyên nghiệp.
Trong đó, người phạm tội được xem là có tính chuyên nghiệp khi thực hiện hành vi gian lận BHXH, BHYT, BHTN từ 5 lần trở lên và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập được xem là có tính chất chuyên nghiệp.
Người phạm tội có thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt là khi sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc thủ đoạn gian dối, mánh khóe khác để tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm...
Nghị quyết cũng nêu rõ cách thức thực hiện khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại các điều 214, 215 và 216 của Bộ luật Hình sự, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Khi đó, cơ quan BHXH sẽ gửi văn bản kiến nghị khởi tố kèm theo chứng cứ, tài liệu có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Các tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có trách nhiệm thông báo ngay đến cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để xem xét, khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Xử lý nghiêm hành vi trốn đóng BHXH
Việc ban hành Nghị quyết này được nhiều người kỳ vọng sẽ giải quyết những ách tắc lâu nay trong việc xử lý các vụ việc nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN, nhất là những hồ sơ DN trốn đóng BHXH đã được chuyển sang cơ quan công an để điều tra, khởi tố.
Theo BHXH Việt Nam, mặc dù trong 5 năm qua, BHXH các địa phương đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phòng chống tội phạm, xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, tuy nhiên, các hành vi nợ, trốn đóng và gian lận về BHXH, BHYT, BHTN ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Thực tế, tại các cuộc làm việc với các cơ quan chức năng và các đoàn thanh tra, nhiều DN đã hứa, cam kết khắc phục, nhưng nợ đâu vẫn hoàn đấy, thách thức pháp luật.
Đơn cử như trường hợp Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Tân Kỷ (TP.HCM). Mặc dù Thanh tra BHXH TP.HCM đã vào cuộc nhưng đến nay số nợ lên tới 5,3 tỷ đồng của 336 lao động trong suốt gần 1 năm qua vẫn chưa được giải quyết.
Hay tại Hà Nội, Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân – vốn được xem là một trong những DN trúng thầu thu gom rác quy mô lớn của Hà Nội, nhưng DN này liên tục bị BHXH Thành phố bêu tên. Số tiền nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN không những không giảm mà còn tăng. Tính đến ngày 30/6/2019, số nợ của DN này lên tới hơn 13,628 tỷ đồng, tăng hơn 3,6 tỷ đồng so với 3 tháng trước đó...
Thậm chí, một số BHXH địa phương đã chuyển hồ sơ DN trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN sang cơ quan công an kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự, nhưng DN vẫn tiếp tục làm ngơ, như: Công ty CP Xây dựng công nghiệp Descon (nợ hơn 13 tỷ đồng); Công ty CP Tư vấn thương mại Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (nợ gần 10 tỷ đồng)...
Hay những vụ việc chủ DN bỏ trốn xảy ra trong thời gian gần đây tại nhiều địa phương trên cả nước đang dấy lên nhiều hệ lụy cho người lao động và mối lo cho các cơ quan có liên quan như: Công ty TNHH KaiYang Việt Nam (Hải Phòng), Công ty TNHH KL Texwell Vina và Công ty TNHH MTV ChoWon (Đồng Nai)...
Tình trạng DN chây ỳ nợ thuế, nhờn luật, một phần là do trong nhiều năm qua gần như chưa có vụ DN nợ đọng BHXH nào bị cưỡng chế, khởi tố.
Một trong những vướng mắc lớn nhất được các chuyên gia trong lĩnh vực BHXH nêu ra nhiều lần là ở khâu hướng dẫn thực hiện. Cụ thể, Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung tội gian lận BHXH, BHYT; tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Việc bổ sung này đã tạo ra cơ sở pháp lý cho việc xử lý trách nhiệm hình sự các hành vi vi phạm, phần nào đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn và công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn còn có nhiều quy định định tính, chung chung và có cách hiểu khác nhau, cần có sự hướng dẫn để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật. Do đó, việc ban hành Nghị quyết này sẽ giúp cho ngành tòa án vững tâm, thực hiện nghiêm túc.