Ngành Kế hoạch và Đầu tư: Duy trì bản lĩnh kiên định, dám nghĩ, dám làm, đi tiên phong với tầm nhìn mới, tư duy đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều ngày 17/9/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình hành động và kế hoạch thi đua ngành KH&ĐT và thống kê thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên

Hội nghị được kết nối trực tuyến với điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Sở KH&ĐT, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, Cục Thống kê.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ KH&ĐT có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; đại diện các Bộ, cơ quan Trung ương cùng đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ KH&ĐT.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về gián đoạn chuỗi cung ứng, sàng lọc doanh nghiệp, sụt giảm của khu vực dịch vụ... Nhìn lại những khó khăn, bất định này để thấy những kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta thời gian qua là thực sự có ý nghĩa. Đạt được những kết quả quan trọng đó có sự đóng góp của Bộ KH&ĐT với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã kịp thời tham mưu hiệu quả cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền chỉ đạo thực hiện những biện pháp hướng tới duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì ổn định xã hội, qua đó góp phần tạo đồng thuận sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân hướng tới thực hiện “mục tiêu kép”.

Tại Hội nghị, đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cho biết, dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trong nước nói chung và Bình Dương nói riêng hiện đang diễn biến hết sức phức tạp. Tình hình dịch bệnh xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế, an sinh xã hội, đời sống nhân dân ở Bình Dương. Nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp ở địa bàn Bình Dương ngừng hoạt động do không đáp ứng được phương án 3 tại chỗ (744 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chiếm tỷ lệ 36% doanh nghiệp đang hoạt động đến tháng 8/2021). 64% doanh nghiệp còn lại đang duy trì hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường - hai địa điểm”. Phương án này nhằm giúp doanh nghiệp không đứt gãy các chuỗi sản xuất cung ứng và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Sở KH&ĐT, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, Cục Thống kê. Ảnh: Lê Tiên

Hội nghị được kết nối trực tuyến với điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm Sở KH&ĐT, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, Cục Thống kê. Ảnh: Lê Tiên

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2021 là năm đầu trong kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 nhưng chịu nhiều tác động khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài. Cả nước đang nỗ lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa tạo điều kiện duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định vĩ mô, đồng thời chủ động nghiên cứu, tham mưu chuẩn bị trước những điều kiện cần thiết để nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển nhanh và bền vững khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Bộ KH&ĐT lấy Chủ đề phong trào thi đua của Ngành giai đoạn 2021 - 2025 là “Toàn ngành KH&ĐT đoàn kết, tiên phong gương mẫu, chủ động, sáng tạo, đồng hành cùng Chính phủ chủ động chiến thắng dịch bệnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025”.

Để cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, Bộ KH&ĐT đã bám sát, kịp thời xây dựng và trình Chính phủ ban hành nhiều Nghị quyết định hướng lộ trình triển khai và điều hành quan trọng như: Nghị quyết số 99/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, các Nghị quyết chuyên đề về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19... Cùng với đó, toàn ngành KH&ĐT đang tổ chức xây dựng, thẩm định nhiều quy hoạch cấp quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia,... là cơ sở quan trọng thực hiện các mục tiêu 5 năm 2021 - 2025; đồng thời xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, Đề án cơ cấu lại nền kinh tế, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh… để đất nước sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững ngay trong những năm đầu kế hoạch 5 năm.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đất nước đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn nhưng cũng đang đứng trước thời cơ, vận hội lớn, đặc biệt trước bối cảnh phát triển mới của thời kỳ “hậu Covid-19”. Cơ hội cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu đang rộng mở, nâng cao năng lực nội tại và sức cạnh tranh của nền kinh tế thuận lợi hơn, đặc biệt khi kinh tế không tiếp xúc, thương mại điện tử của Việt Nam đã tạo được những bước phát triển nhanh trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

“Trước yêu cầu, vận mệnh và thời cơ của đất nước, tôi đề nghị toàn thể cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành KH&ĐT cần tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống quý báu của Ngành, phải duy trì được bản lĩnh kiên định, dám nghĩ dám làm; phải đi tiên phong với tầm nhìn mới và tư duy đổi mới sáng tạo, cải cách mạnh mẽ; phải giữ một cái đầu lạnh để có thể tỉnh táo nhận định tình hình, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; nhưng cũng cần một trái tim nóng để nêu cao tinh thần đoàn kết, không ngừng nỗ lực, khát vọng, biết đồng cảm, chia sẻ và cống hiến, hướng tới vì hạnh phúc của nhân dân, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, xây dựng nét văn hóa nhân văn, sống có tình người của Ngành. Càng trong khó khăn càng phải nỗ lực, càng phải đoàn kết và thể hiện tình yêu thương, nhân ái, thể hiện nghĩa cử cao đẹp giữa con người với con người”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo phát động phong trào thi đua.

Chuyên đề