Ảnh Internet |
Lợi nhuận tăng trưởng
Báo cáo tài chính mới nhất của Công ty CP Cao su Đồng Phú cho biết, doanh thu quý III/2017 đạt 260,3 tỷ đồng, tăng 65,5% so với cùng kỳ 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 58,4 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với quý III/2016. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận sau thuế của Cao su Đồng Phú đạt 188 tỷ đồng, gấp hơn 2,2 lần so với 9 tháng đầu 2016. Biên lợi nhuận gộp 9 tháng đầu 2017 đạt 39,5%, tăng mạnh so với con số 28,1% cùng kỳ 2016.
Lợi nhuận sau thuế quý III của Công ty CP Cao su Bà Rịa cũng tăng 64%, đạt 12,3 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt gần 42 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ 2016. Biên lợi nhuận gộp của Cao su Bà Rịa 9 tháng 2017 đạt 23,68%, cùng kỳ 2016 là 14,1%.
Kết thúc 9 tháng năm 2017, Công ty CP Cao su Tây Ninh ghi nhận doanh thu đạt 273 tỷ đồng, chỉ mới thực hiện 59% kế hoạch nhưng lợi nhuận trước thuế đã đạt gần 106 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm 2017 và tăng 143% so với cùng kỳ năm trước. Một phần lợi nhuận của Cao su Tây Ninh được đóng góp bởi khoản lợi nhuận khác 59 tỷ đồng. Riêng trong quý III/2017, doanh thu thuần của Công ty đạt gần 129 tỷ đồng (tăng hơn 66% so với cùng kỳ 2016), lợi nhuận ròng ghi nhận hơn 28,5 tỷ đồng (tăng 59%).
Một “ông lớn” trong ngành cao su cũng báo lãi đột biến là Công ty CP Cao su Phước Hòa. Công ty này cho biết đã bán được gần 3.378 tấn mủ thành phẩm các loại với giá bán bình quân trong tháng 9 đạt 38,32 triệu đồng/tấn, ước đạt lợi nhuận trước thuế tháng 9 là 33 tỷ đồng. Lũy kế tiêu thụ 9 tháng, Công ty đạt 20.628 tấn mủ thành phẩm với giá bán bình quân 41,44 triệu đồng/tấn, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2016 và đem về 854,84 tỷ đồng doanh thu. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng của doanh nghiệp này ước đạt hơn 284 tỷ đồng, vượt kế hoạch 5% và bằng 210% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cao su thiên nhiên ước đạt 955.683 tấn với giá trị 1,62 tỷ USD
Triển vọng nào cho giá cao su?
Từ nửa cuối năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp ngành cao su đón nhận những tín hiệu khá tích cực khi khối lượng cũng như giá trị xuất khẩu tăng mạnh. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cao su thiên nhiên ước đạt 955.683 tấn với giá trị 1,62 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng nhưng tăng đến 49,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Tình hình thiếu hụt nguồn cung cao su thiên nhiên trên thế giới được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra. Theo ước tính sơ bộ của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), nguồn cung thế giới trong 4 tháng đầu năm 2017 thiếu hụt 466.000 tấn so với nhu cầu. Theo bảng số liệu dưới đây, mức thiếu hụt nguồn cung cao su trên thị trường thế giới trong 6 tháng đầu năm nay lên tới 688.000 tấn, trong 9 tháng đầu năm là 504.000 tấn và dự báo cả năm 2017 là 46.000 tấn.
Diễn biến giá cao su tự nhiên trên thị trường thế giới
Nguồn: https://tradingeconomics.com/commodity/rubber (Đơn vị tính: Yên Nhật)
Ngoài ra, sự tăng trở lại đầy bất ngờ của giá dầu thế giới trong thời gian gần đây (vượt mức 50 USD/thùng) cũng sẽ là yếu tố tích cực hỗ trợ sự gia tăng của giá mủ cao su tự nhiên.
Tuy nhiên, sự khởi sắc của giá cao su được nhiều chuyên gia đánh giá là không ổn định. Vì vây, các doanh nghiệp trong ngành phải theo sát thị trường, có những giải pháp ứng phó phù hợp trước những biến động trong ngắn hạn.