Ngân sách nhà nước chịu áp lực lớn

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Thu ngân sách nhà nước giảm do dịch Covid-19, chi ngân sách nhà nước lại tăng cho các nỗ lực vượt qua khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Điều này gây khó cho các cân đối ngân sách nhà nước trong năm nay và năm sau.

Chi tiêu công của Việt Nam đang tăng do gói kích thích khôi phục kinh tế hậu Covid-19 và các chi phí dự kiến cần để tái thiết sau bão lũ. Ảnh: Lê Tiên
Chi tiêu công của Việt Nam đang tăng do gói kích thích khôi phục kinh tế hậu Covid-19 và các chi phí dự kiến cần để tái thiết sau bão lũ. Ảnh: Lê Tiên

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần theo dõi sát, nhận diện rõ thực trạng nền kinh tế để có giải pháp điều hành chính sách tài khóa phù hợp.

Tại Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2020 mới phát hành, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận xét, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm thay đổi quá trình thực hiện chính sách tài khóa của Việt Nam. Theo đó, chi tiêu công đang tăng do gói kích thích tài khóa để khôi phục kinh tế hậu Covid-19 và các chi phí dự kiến cần để tái thiết sau bão lũ.

Tổng thu ngân sách 10 tháng đầu năm 2020 giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019 do các hoạt động kinh tế đi xuống và chính sách hoãn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong khi đó, tổng chi ngân sách tăng 9,7% so với 10 tháng đầu năm 2019. Riêng chi đầu tư công tăng 50,3% do Chính phủ tích cực thúc đẩy giải ngân, từ mức 54,7% vào tháng 10 năm 2019 lên đến mức 68,3% vào tháng 10 năm 2020.

Đồng thời, những thiệt hại nghiêm trọng do các trận bão trong tháng 10 gây ra cho miền Trung và ngân sách cần huy động để thực hiện các hoạt động hỗ trợ và tái thiết dự kiến sẽ tạo thêm áp lực lên dư địa tài khóa vốn đang bị thu hẹp trong những tháng tới.

Báo cáo của WB khuyến nghị, trong tương lai, Việt Nam cần theo dõi sát khả năng phục hồi của nền kinh tế hậu khủng hoảng Covid-19. WB cho rằng, việc loại bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội trong nước cũng như nhu cầu trong nước tăng lên nhờ tăng đầu tư công cao hơn và nới lỏng điều kiện tín dụng sẽ kích thích phát triển kinh tế trong nước. Tuy nhiên, các điều kiện y tế và kinh tế đang xấu đi ở các nước khác trên thế giới có thể ảnh hưởng đến kinh tế đối ngoại của Việt Nam. Ngoài ra, thiệt hại nặng nề về người và tài sản do các trận bão lũ tháng 10 cho thấy tầm quan trọng của việc nâng cao khả năng thích ứng biến đổi với khí hậu của nền kinh tế và tài chính công.

Báo cáo chiến lược đầu tư tháng 11/2020 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, do tác động của dịch Covid-19, thâm hụt tài khóa có thể tăng lên 5,0% GDP trong năm nay, cao hơn so với mức 3,4% GDP đặt ra vào đầu năm 2020. Con số này có thể cao hơn, lên đến 5,6% GDP nếu Chính phủ không thể hoàn tất bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước. VDSC dự báo, thâm hụt tài khóa trước đó ở mức 5,5 - 6,0% GDP trong năm 2020. Trong năm 2021, thâm hụt tài khóa có thể về mức 4% GDP nhờ kinh tế phục hồi.

Tuy nhiên, VDSC cũng cho rằng, chính sách tài khóa năm 2021 sẽ có nhiều điểm hạn chế và sẽ có những thách thức lớn hơn. Do đại dịch diễn biến khó đoán, Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì việc thúc đẩy đầu tư công nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế, thâm hụt tài khóa sẽ tăng và rủi ro tăng nợ công hiện hữu.

Từ góc độ cơ quan điều hành chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, cần nhận diện, đánh giá đúng thực trạng của nền kinh tế để có các giải pháp điều hành chính sách tài khóa hiệu quả.

Phân tích từ thực tế điều hành những năm qua, ông Dũng cho biết, giai đoạn 5 năm từ 2011 - 2015, mục tiêu tăng trưởng GDP đặt ở mức 6,5 - 7%/năm song thực tế chỉ tăng trưởng 5,9%. Tuy nhiên, trong cả giai đoạn đó, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều được điều hành theo mục tiêu tăng trưởng GDP cao dẫn đến bội chi ngân sách nhà nước và nợ công đều tăng cao.

Trong khi đó, giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu tăng trưởng GDP đặt 6,5 - 7%/năm và đã đạt mức 6,8%/năm cho giai đoạn từ 2016 - 2019 nên công tác điều hành các chỉ tiêu vĩ mô khác khá sát với dự kiến. Năm 2020, dự kiến tăng trưởng GDP chỉ đạt 2 - 3%, kéo bình quân tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 chỉ còn 5,8-5,9% nên các chỉ tiêu về thu, chi ngân sách nhà nước cũng gặp thách thức rất lớn. Đặc biệt, việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và người dân vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 sẽ là điều không dễ dàng trong bối cảnh thu ngân sách hạn chế. Do đó, theo ông Dũng, thực trạng kinh tế hàng năm cần được đánh giá chính xác để đưa ra các chỉ tiêu phù hợp, từ đó điều hành hiệu quả.

Trước mắt, để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ tài chính ngân sách trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp quản lý thu ngân sách, đẩy mạnh chống thất thu qua công tác kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại; tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm; tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công; đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước các cấp; quản lý chặt chẽ nợ công.

Đồng thời, cơ quan này cũng khẩn trương rà soát các cơ chế, chính sách tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách... trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung bất cập, không còn phù hợp.

Chuyên đề