Ngân hàng hết cửa tùy tiện mua trái phiếu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hạn chế tổ chức tín dụng (TCTD) mua trái phiếu doanh nghiệp khi tỷ lệ nợ xấu cao và yêu cầu tổ chức tín dụng kiểm soát việc sử dụng vốn của tổ chức phát hành là hai quy định đáng chú ý tại Dự thảo Thông tư về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lấy ý kiến. Những nội dung này được cho là hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Theo Dự thảo Thông tư về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Ảnh: Toàn Lê
Theo Dự thảo Thông tư về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Ảnh: Toàn Lê

Từ đầu năm đến nay, số lượng trái phiếu doanh nghiệp được các TCTD mua vào tăng khá mạnh. Đơn cử, báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 vừa được Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (Tienphongbank) công bố cho thấy, giá trị trái phiếu sẵn sàng để bán do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành tăng vọt. Tại Techcombank, con số này tăng từ mức 30.396 tỷ đồng vào cuối năm 2019 lên 54.444 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2020. Tại Tienphongbank, con số này tăng từ mức 4.781 tỷ đồng vào cuối năm 2019 lên mức 12.703 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2020.

Theo một số chuyên gia trong ngành, việc các TCTD mua trái phiếu doanh nghiệp là hoạt động bình thường, song vẫn cần kiểm soát việc sử dụng dòng vốn này, đặc biệt khi sức mua tăng mạnh.

Theo Ban soạn thảo Thông tư, quy định “TCTD chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%” nhằm góp phần hạn chế nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD.

Quy định thứ hai đáng chú ý là “TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác”. NHNN cho biết, qua công tác kiểm tra hoạt động của TCTD, đã phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nêu mục đích phát hành là thực hiện các chương trình, dự án đầu tư của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn hoạt động, song thực tế lại góp vốn, mua cổ phần tại các doanh nghiệp khác, để các doanh nghiệp này thực hiện dự án hoặc tiếp tục thực hiện góp vốn, mua cổ phần... Do đó, TCTD khó kiểm soát được mục đích sử dụng vốn, dòng tiền từ nguồn phát hành trái phiếu, tình hình thực hiện dự án.

Từ đầu năm đến nay, số lượng trái phiếu doanh nghiệp được các TCTD mua vào tăng khá mạnh. Theo một số chuyên gia trong ngành, việc các TCTD mua trái phiếu doanh nghiệp là hoạt động bình thường, song vẫn cần kiểm soát việc sử dụng dòng vốn này, đặc biệt khi sức mua tăng mạnh.

Hai quy định nêu trên của Dự thảo Thông tư nhận được sự đồng tình của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc không cho phép các TCTD mua trái phiếu doanh nghiệp khi tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên là hợp lý, bởi theo thông lệ và thực tế hiện nay, tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên là rất lớn và hoạt động của TCTD đó đang ở trạng thái có rủi ro đáng kể. Mặt khác, việc mua trái phiếu doanh nghiệp trong tình trạng như vậy cho thấy có thể ngân hàng muốn mua để đảo nợ cho các doanh nghiệp.

Về quy định “TCTD không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác”, theo ông Hiếu, trên phương diện quản lý dòng tiền, việc huy động vốn có thời hạn để góp vốn không thời hạn là điều rất kiêng kị trong quản lý tài chính, bởi hàm chứa rủi ro rất lớn và có thể gây méo mó thị trường trái phiếu. Do đó, cấm việc này là rất cần thiết.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cùng với những quy định như vậy, cơ quan chức năng cần thực hiện tốt chức năng kiểm tra, giám sát việc thực hiện báo cáo thông tin mua trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD để có thể kịp thời ngăn chặn rủi ro cho thị trường và xử lý vi phạm.

Chuyên đề