Việc áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ góp phần minh bạch hóa hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp |
Trong khi đó, chuẩn mực kế toán hiện hành không còn theo kịp các giao dịch trên thị trường, nhiều trường hợp phải vận dụng linh hoạt theo nhiều hướng khác nhau.
Có nhu cầu chuyển đổi theo chuẩn mực quốc tế
Nhận định việc xây dựng thể chế chính sách và lộ trình thực hiện chuẩn mực kế toán quốc tế là cần thiết với Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nói: “Cải thiện tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (DN) là việc phải làm. Quá trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới đòi hỏi các DN phải bắt kịp yêu cầu về báo cáo tài chính theo chuẩn thế giới. Việc thay đổi quản trị DN theo chuẩn mực mới cũng là đòi hỏi bức thiết của thời kỳ mới. Đây là những yếu tố thúc đẩy việc thực hiện chuẩn mực kế toán quốc tế”.
Đánh giá về thực trạng áp dụng các chuẩn mực kế toán hiện hành tại Việt Nam, ông Trịnh Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) cho biết, Việt Nam còn thiếu 17 chuẩn mực chưa được ban hành, làm cho nhiều giao dịch của nền kinh tế chưa có cơ sở để ghi nhận hoặc buộc phải ghi nhận bằng cách ghép vào các chuẩn mực khác.
Điểm hạn chế đáng chú ý khác là chuẩn mực và chế độ kế toán DN Việt Nam chưa có những hướng dẫn và yêu cầu cụ thể về việc thuyết minh các thông tin rủi ro mà DN có thể gặp phải, làm ảnh hưởng đến việc ra quyết định kinh tế của các nhà đầu tư.
Trước thực tế đó, năm 2018, Bộ Tài chính đã phối hợp với đơn vị tư vấn độc lập tiến hành khảo sát về nhu cầu và khả năng áp dụng tại 46 đơn vị tại Việt Nam, trong đó có hơn 27 đơn vị là các DN niêm yết lớn.
Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều DN niêm yết lớn chịu áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài hoặc các định chế tài chính quốc tế, đặc biệt là khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chịu áp lực từ công ty mẹ ở nước ngoài có nhu cầu áp dụng IFRS. Trong tình huống bắt buộc, các DN này buộc phải chuyển báo cáo tài chính theo chuẩn mực hiện hành sang IFRS.
Tuy nhiên, DN vẫn gặp nhiều khó khăn khi lập báo cáo tài chính theo IFRS vì chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng chi tiết của cơ quan có thẩm quyền (Bộ Tài chính), nhiều DN phải thuê các công ty kiểm toán trợ giúp trong quá trình chuyển đổi báo cáo tài chính sang IFRS.
Nhưng chưa muốn thực hiện
Dù nhu cầu áp dụng IFRS là cấp thiết, song theo Bộ Tài chính, việc áp dụng sẽ gặp phải các khó khăn nhất định. Trước hết, thị trường tài chính chưa phát triển đủ mạnh nên chưa cung cấp được các thông số tài chính một cách đáng tin cậy. Mặt khác, trở ngại đáng chú ý là đạo đức nghề nghiệp và tâm lý không muốn công khai về tình hình tài chính của một số DN. Khi áp dụng IFRS, thông tin tài chính của DN sẽ được trình bày sát thực tế hơn, thận trọng hơn, nhưng điều này có thể làm cho báo cáo tài chính của DN không được khả quan như hiện nay.
Ngoài ra, tâm lý e ngại của một số DN hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là DN nhà nước, có thể ảnh hưởng đến xếp hạng, phân loại DN cũng như đánh giá về người đại diện phần vốn nhà nước tại DN, ban lãnh đạo DN. Đối với các công ty niêm yết, nếu kết quả kinh doanh liên tục bị lỗ có thể ảnh hưởng đến việc duy trì điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Từ bất cập nêu trên, ông Vinh cho rằng cần sửa đổi hệ thống bộ tiêu chí đánh giá về hiệu quả, phân loại, xếp hạng DN và điều kiện niêm yết tương thích với bối cảnh DN áp dụng IFRS.
“Hiện có hơn 1.400 DN niêm yết và rất nhiều công ty đại chúng quy mô lớn chưa niêm yết. Các DN này có ảnh hưởng đáng kể đến công chúng và nền kinh tế nên việc cho phép áp dụng IFRS sẽ góp phần công khai, minh bạch thông tin tài chính theo chuẩn quốc tế, bảo vệ lợi ích công chúng và các nhà đầu tư, đảm bảo an toàn cho kinh tế vĩ mô”, ông Vinh nói.
Cũng theo ông Vinh, hiện Việt Nam có rất nhiều DN có nhu cầu phát hành các công cụ nợ, công cụ vốn trên thị trường quốc tế, nên việc áp dụng IFRS sẽ giúp các DN có cơ hội huy động và thu hút được các nguồn vốn giá rẻ trên thị trường quốc tế, gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.