Nền kinh tế còn nhiều thách thức

(BĐT) - Kinh tế năm 2019, theo nhiều đại biểu Quốc hội, vẫn còn rất nhiều thách thức, đòi hỏi Chính phủ phải tập trung điều hành với những giải pháp hữu hiệu hơn để đạt được mục tiêu đề ra.
Mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 có đạt được hay không phụ thuộc nhiều vào nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính. Ảnh: Lê Tiên
Mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 có đạt được hay không phụ thuộc nhiều vào nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều áp lực nhãn tiền

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu), lạm phát quý I/2019 chưa đáng lo ngại, nhưng từ nay đến cuối năm 2019 sẽ có những vấn đề cần phải quan tâm, giải quyết. Việc tăng giá điện, giá xăng dầu - chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất - sẽ tác động nhiều đến kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Cụ thể, giá điện tăng 8,36% vào thời điểm cuối tháng 3 đã tác động làm CPI tháng 4/2019 tăng khoảng 0,29% so với tháng 3/2019. Cùng với việc tăng thuế môi trường, giá xăng dầu bình quân chung năm 2019 dự kiến tăng khoảng 5% so với năm 2018. Các dịch vụ y tế và giáo dục như viện phí, sách giáo khoa theo lộ trình cũng sẽ tăng... Trong bối cảnh này, việc kiểm soát lạm phát dưới 4% như mục tiêu đề ra sẽ là thách thức lớn.

Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) lưu ý Chính phủ có giải pháp khắc phục, phòng ngừa hiện tượng tăng giá "tát nước theo mưa" do tăng giá điện, cần theo dõi sát biến động thị trường, kết hợp việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kê khai giá của các doanh nghiệp để có biện pháp tổng thể nếu có biến động bất thường của thị trường. Đại biểu Phúc cũng đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra việc tăng giá điện vừa qua như thế nào, đúng quy định hay không, nếu sai thì xử lý như thế nào.

Ở một lo ngại khác, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chỉ ra, tỷ trọng chi đầu tư từ ngân sách trung ương trong tổng chi đầu tư đang giảm làm ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, ảnh hưởng đến tập trung nguồn lực cho các chính sách lớn, các dự án liên vùng để tạo cú huých cho tăng trưởng. Song song đó, sức ép trả nợ đang tăng, có thời điểm số nợ đến hạn phải trả rất lớn, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản, khó khăn cho vay đảo nợ. Năm 2019 có 9,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn. Có thời điểm vay để trả nợ gốc lên đến 20.000 - 40.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn lực eo hẹp, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng, Chính phủ cần xác định rõ ưu tiên dồn nguồn lực cho giải pháp nào và tổ chức thực hiện như thế nào để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2019 và các năm tiếp theo. 

Và thách thức phát triển bền vững

Trước lo ngại của đại biểu Quốc hội về kiểm soát lạm phát trong năm 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, kiểm soát lạm phát là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ. Mức tăng CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2019 thấp nhất trong 3 năm qua. Thời gian tới, Chính phủ kiên trì điều hành theo mục tiêu tăng CPI 3,3 - 3,9%, với nhiều giải pháp đồng bộ như thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ; theo dõi sát diễn biến cung - cầu thị trường để có giải pháp bình ổn giá; tiếp tục đánh giá tác động gián tiếp của việc tăng giá điện; công khai, minh bạch các chi phí đầu vào để tạo niềm tin cho người dân, DN...
Xây dựng môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng doanh nghiệp (DN) phát triển vì DN chính là động lực quan trọng cho tăng trưởng bền vững là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra. Theo đại biểu Trần Tất Thế (Hà Nam), số DN thành lập mới và hoạt động trở lại tăng so với năm trước, nhưng số DN phá sản và dừng hoạt động vẫn còn là con số lớn, chứng tỏ nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Đại biểu Trần Tất Thế chỉ ra, trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho người dân và DN với khoảng 30% điều kiện kinh doanh được cắt bỏ và sửa đổi. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, kết quả cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam vẫn còn rất chậm và chưa đi vào thực tế.

“Thực chất, nhiều nội dung sửa đổi điều kiện kinh doanh chỉ nhằm mục đích tránh gây sự chú ý chứ không phải cắt giảm thực sự... Nhiều nơi đã đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh, nhưng nội dung cắt giảm cũng như hiệu quả cắt giảm vẫn là vấn đề DN lo ngại, vì có điều kiện kinh doanh đang được ẩn dưới cụm từ "thực hiện theo quy định của bộ quản lý" hoặc nhập nhiều thủ tục, điều kiện vào thành một thủ tục hành chính”, đại biểu Thế cho biết.

Chung lo ngại, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng, việc cài cắm lợi ích ngầm, lợi ích nhóm vẫn còn, do vậy một số luật không bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, mâu thuẫn, chồng chéo với luật khác gây khó khăn cho người dân và DN. “Nguy hiểm nhất là lỗi không minh bạch, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, tùy vào sự giải thích của cán bộ thực thi. Đây là mảnh đất của nhũng nhiễu và tham nhũng”, đại biểu Nhường chỉ ra.

Mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 có đạt được hay không sẽ phụ thuộc nhiều vào nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính. Đại biểu Trần Tất Thế đề nghị Chính phủ cần quyết liệt hơn về vấn đề này. Trong đó, cần chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn liền với đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan. Nhiều ý kiến khác đề nghị cải cách thể chế để luật pháp dễ thực thi, DN dễ làm ăn, có thể tồn tại và phát triển.

Chuyên đề