Nasdaq tăng 3 phiên liên tiếp, giá dầu giữ đà tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
Chỉ số Nasdaq dẫn đầu phiên tăng điểm của thị trường chứng khoán Mỹ ngày thứ Năm (22/7), bất chấp số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng lên gây lo lắng về sự phục hồi kinh tế. Giá dầu thô cũng có phiên tăng mạnh thứ ba liên tiếp do những dự báo về cung không đủ cầu...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng chưa đầy 0,07%, đạt 34.823,35 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,2%, đạt 4.367,48 điểm. Nasdaq tăng 0,3%, đạt 14.684,6 điểm.

Nhà đầu tư ở Phố Wall mua mạnh cổ phiếu công nghệ phiên này, dựa trên niềm lạc quan rằng loạt báo cáo kết quả kinh doanh mà các công ty công nghệ đưa ra vào tuần tới sẽ khả quan hơn dự báo. Cổ phiếu Salesforce tăng 2,5%, cổ phiếu Amazon và Facebook chốt với mức tăng 1,4% mỗi cổ phiếu.

“Trong lúc lợi suất giảm, kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trở nên bấp bênh, và số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng gây ra những lo lắng, cổ phiếu công nghệ sẽ có sức hút cho tới khi những vấn đề đó được giải quyết”, chiến lược gia Yung-Yu Ma của BMO Wealth Management nói với hãng tin CNBC.

Cổ phiếu Microsoft tăng 1,6% sau khi được Citi nâng mức giá mục tiêu. Citi dự báo cổ phiếu của “đế chế” phần mềm sẽ tăng hơn 30% trong vòng 1 năm tới. Cổ phiếu Apple tăng khoảng 1% sau khi có dự báo về nhu cầu mạnh đối với các sản phẩm Apple và giới đầu tư lạc quan về báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 mà “táo khuyết” dự kiến công bố vào tuần sau.

Dù có một số lo ngại như đề cập ở trên, tâm lý chung của thị trường chứng khoán Mỹ ở thời điểm này vẫn nghiêng về tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế. Bằng chứng là nhiều cổ phiếu giá trị vẫn tăng giá trong phiên ngày thứ Năm.

“Nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng tăng mạnh, và đó là một môi trường tích cực cho giá cổ phiếu”, nhà quản lý Ron Temple thuộc Lazard Asset Management phát biểu.

Vào đầu phiên, thị trường đã chịu áp lực giảm sau khi Bộ Lao động công bố báo cáo hàng tuần cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước tăng lên mức 419.000, cao hơn con số dự báo 350.000 mà giới phân tích đưa ra trước đó. Tuy nhiên, nỗi lo này được gạt bỏ nhanh chóng và cả ba chỉ số đồng loạt “xanh” khi đóng cửa.

Đến nay đã có 15% trong số các công ty thuộc S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021, trong đó 88% lợi nhuận tốt hơn dự báo và 84% đạt doanh thu tốt hơn dự báo.

Đầu tuần này, chứng khoán toàn cầu sụt điểm mạnh khi giới đầu tư lo ngại rằng sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta sẽ khiến kinh tế thế giới giảm tốc. Tuy nhiên, các thị trường đã nhanh chóng chuyển sang trạng thái hồi phục.

Phiên ngày thứ Năm, chỉ số MSCI All Country World Index của chứng khoán thế giới tăng 0,42%. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 1%.

Giá dầu thế giới tiếp tục tăng trong phiên này, nối tiếp đà hồi phục của hai phiên trước, sau phiên giảm 7% vào đầu tuần.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,56 USD/thùng, tương đương tăng 2,2%, đạt 73,79 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 1,61 USD/thùng, tương đương tăng 2,3%, đạt 71,91 USD/thùng.

Do Covid-19, “đã xuất hiện một số vùng yếu trong sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu, nhưng điều này sẽ không khiến triển vọng thay đổi nhiều”, một báo cáo của Morgan Stanley nhận định. Theo ngân hàng này, nhu cầu vẫn sẽ tăng mạnh hơn nguồn cung dầu trong nửa cuối của năm nay và giá dầu Brent sẽ giao dịch ở ngưỡng cao của vùng 70 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm 2021.

Tương tự, ngân hàng Barclays dự báo lượng tồn kho dầu toàn cầu sẽ giảm nhanh hơn dự báo, về mức trước đại dịch. Theo đó, Barclays nâng dự báo mức bình quân của giá dầu năm 2021 thêm 3-5 USD/thùng, lên 69 USD/thùng. “Tình hình cung-cầu dầu hiện nay cho thấy giá dầu sẽ tiếp tục nhích lên trong vài tháng tới”, báo cáo của Barclays nhận định.

Chuyên đề