Năng lực, kinh nghiệm: “Chốt chặn” trong nhiều cuộc thầu

(BĐT) - Nhiều hồ sơ mời thầu đưa ra những yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm mà không ít nhà thầu dù có năng lực, kinh nghiệm tốt vẫn phải chào thua. Đơn giản là những yêu cầu đó chỉ có một nhà thầu có thể đáp ứng.
Yêu cầu nhà cung cấp bảo hiểm được các tổ chức xếp hạng quốc tế xếp hạng tài chính an toàn khiến một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bị loại tại gói thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho một nhà máy dầu khí. Ảnh: Phú An
Yêu cầu nhà cung cấp bảo hiểm được các tổ chức xếp hạng quốc tế xếp hạng tài chính an toàn khiến một số doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bị loại tại gói thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho một nhà máy dầu khí. Ảnh: Phú An

Theo quan sát của Báo Đấu thầu, thời gian qua, các gói thầu bảo hiểm có sự cạnh tranh khá gay gắt. Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có nhiều doanh nghiệp lớn, nhưng theo một chuyên gia bảo hiểm, vẫn có tình trạng phân mảng cung ứng. Vì thế, nhiều chủ đầu tư cài cắm những tiêu chí không phù hợp để đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, hoặc phối hợp nhiều tiêu chí để chỉ có 1 nhà thầu đáp ứng.

Ví dụ, hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho một nhà máy dầu khí trong nước đã đưa ra yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm là: “Nhà cung cấp bảo hiểm đạt được xếp hạng tài chính ở mức an toàn bởi một trong các tổ chức xếp hạng quốc tế như A.M Best, Standard & Poor’s, Moody’s, Fitch”… Trong khi theo nhiều nguồn thống kê, trên thị trường hiện chỉ có 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã thực hiện xếp hạng quốc tế. Với điều kiện này, khoảng 25 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ khác, trong đó có doanh nghiệp đứng đầu thị trường, được đánh giá năng lực tài chính tốt theo tiêu chuẩn, quy định trong nước, vẫn bị loại.

Cũng trong lĩnh vực bảo hiểm, có gói thầu đưa ra tiêu chí thứ yếu để đánh giá năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm; lại có gói đưa ra cùng lúc nhiều tiêu chí mà mỗi tiêu chí có thể chỉ 2 - 3 nhà thầu đáp ứng, nhưng khi kết hợp các tiêu chí lại thì chỉ có 1 nhà thầu thỏa mãn đầy đủ. Ví dụ, cài cắm trong cả 3 tiêu chí về doanh thu, xếp hạng tín nhiệm và lợi nhuận dẫn đến trên thị trường chỉ có 2 doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng tiêu chí doanh thu, trong đó chỉ có 1 doanh nghiệp đạt cả tiêu chí xếp hạng tín nhiệm như yêu cầu của HSMT. Hay có 3 doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí xếp hạng tín nhiệm, thì 1 doanh nghiệp trong số đó không đáp ứng tiêu chí về doanh thu và 1 doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chí về lợi nhuận thuần. Tổng hợp tất cả các tiêu chí, chỉ có 1 doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng được đầy đủ.

Một số HSMT khác đưa ra yêu cầu về hợp đồng tương tự mang tính khu biệt mà chỉ có rất ít nhà thầu đáp ứng. Đơn cử, Ban Dân tộc một số tỉnh khi đấu thầu các gói thầu đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở thuộc Chương trình 135 năm 2019 đã yêu cầu hợp đồng tương tự phải là hợp đồng đào tạo, tập huấn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững. Trong khi đó, nội dung gói thầu chủ yếu gồm các hạng mục: bố trí giảng viên, quản lý tổ chức lớp học, bố trí ăn nghỉ cho học viên, giảng viên, chuẩn bị hội trường, tài liệu, văn phòng phẩm, nước uống, phát các khoản hỗ trợ cho học viên (ăn, ở, đi lại và phụ cấp)… Đây là hạng mục công việc của dịch vụ tổ chức đào tạo cho bất kỳ chương trình đào tạo nào chứ không riêng chương trình đào tạo cho cán bộ cơ sở và cộng đồng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, sự khu biệt của HSMT khiến nhà thầu có các hợp đồng tương tự về tính chất, phù hợp các hạng mục công việc dịch vụ đào tạo nêu trên, nhưng không có lịch sử trúng thầu trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững sẽ bị loại. Nếu điều kiện đó cứ lặp đi lặp lại nhiều năm, thì chắc chắn cánh cửa chỉ mở cho rất ít nhà thầu.

Rất nhiều “bẫy” khác đã được cài cắm trong các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm để loại nhà thầu không thân hữu, thậm chí cả những yêu cầu về giải thưởng, danh hiệu nhỏ của một bộ, ngành, đơn vị trao tặng cũng trở thành tiêu chí loại nhà thầu.

Trong báo cáo công tác đấu thầu năm 2019 của nhiều địa phương, qua thanh tra, kiểm tra, các đơn vị chức năng phát hiện nhiều HSMT đưa ra những yêu cầu không phù hợp về năng lực, kinh nghiệm khiến hạn chế sự cạnh tranh trong đấu thầu. Sự thiếu cạnh tranh là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả kinh tế, tỷ lệ tiết kiệm qua đấu thầu của nhiều địa phương rất hạn chế.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, các yêu cầu để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu được xây dựng dựa trên tính chất, quy mô của một gói thầu cụ thể. Vì thế, trong các mẫu HSMT chỉ đưa ra các hướng dẫn mang tính định hướng, còn khi lập HSMT, các yêu cầu này phụ thuộc vào sự hiểu biết, năng lực và phẩm chất của từng chuyên gia tham gia lập HSMT, của chủ đầu tư khi phê duyệt HSMT. Về phía nhà thầu, cũng nên tự trang bị đầy đủ về pháp lý, thông tin trong lĩnh vực dự thầu để kịp thời bảo vệ quyền lợi của mình.

Chuyên đề