Nâng chất lượng thanh, kiểm tra thuế

(BĐT) - Một số giải pháp chống thất thu thuế chưa thực sự hiệu quả là mối quan ngại của ngành thuế hiện nay. Để giải quyết vấn đề này, giải pháp chủ yếu được cơ quan thuế đặt ra là cải thiện nguồn cơ sở dữ liệu, nâng cao chất lượng thanh, kiểm tra thuế.
Bên cạnh điểm nóng về gian lận chuyển giá, thất thu thuế thương mại điện tử cũng là mối quan ngại với ngân sách nhà nước. Ảnh: Tường Lâm
Bên cạnh điểm nóng về gian lận chuyển giá, thất thu thuế thương mại điện tử cũng là mối quan ngại với ngân sách nhà nước. Ảnh: Tường Lâm

Tăng cường thanh, kiểm tra nhưng không làm khó DN

Theo ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trong các năm gần đây, các giải pháp thanh, kiểm tra thuế, đặc biệt trong công tác thanh tra giá chuyển nhượng, tiếp tục được cải thiện và đạt hiệu quả tích cực, song vẫn còn một số khó khăn và hạn chế cần khắc phục. Đặc biệt, công tác thu thập, xây dựng, phân tích cơ sở dữ liệu về người nộp thuế được triển khai góp phần quan trọng dự báo nguồn thu. Tuy nhiên, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về kinh tế theo lĩnh vực, ngành nghề còn hạn chế.

“Thực tế, công tác thanh, kiểm tra thuế đã có những chuyển biến mạnh mẽ về cách thức, phương pháp, nhưng ở một số lĩnh vực như chuyển nhượng vốn, bất động sản, thương mại điện tử..., giải pháp chống thất thu chưa thực sự hiệu quả”, ông Nam nhấn mạnh.

Tham gia công tác và quan sát hoạt động của ngành thuế trong nhiều năm, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) nêu quan điểm: “Cần nâng cao chất lượng thanh, kiểm tra thuế, đặc biệt trong việc chống hành vi gian lận trong chuyển giá. Tuy nhiên, các nội dung chống chuyển giá cần xem xét yếu tố loại trừ với các doanh nghiệp không có giao dịch xuyên biên giới và doanh nghiệp có những đơn vị có giao dịch liên kết nhưng chịu tỷ suất thuế thu nhập doanh nghiệp không khác nhau để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động”.

Cũng theo bà Cúc, cần xử lý nghiêm với những đơn vị bị phát hiện gian lận trong chuyển giá. Bên cạnh đó, có đơn vị dù ở dạng có rủi ro nhưng kết quả thanh, kiểm tra cho thấy việc hạch toán không có dấu hiệu gian lận thì nên tạo điều kiện hơn. “Đừng cho rằng thanh tra thì phải ra tiền. Bên cạnh xử lý nghiêm sai phạm cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp chấp hành thuế tốt”, bà Nguyễn Thị Cúc nói.

Liên quan đến việc thanh tra giá chuyển nhượng của doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM kiến nghị Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính nên tập trung mua cơ sở dữ liệu về thanh tra giá chuyển nhượng, đồng thời, kéo dài thời hạn thanh tra lên mức hơn 30 ngày và tăng mức xử phạt các hành vi gian lận chuyển giá. 

Thuế thương mại điện tử từ cơ sở dữ liệu

Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, để tăng cường công tác chống thất thu thuế, Tổng cục Thuế sẽ kiên quyết với các trường hợp chây ì nợ thuế. Theo đó, sẽ chỉ đạo, giám sát việc phân loại tiền thuế nợ, theo các tiêu chí phân tích nợ thuế đảm bảo việc phân loại phải đầy đủ hồ sơ, phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ, của từng trường hợp nợ thuế. Đồng thời, kiên quyết thực hiện cưỡng chế nợ thuế đối với trường hợp phải cưỡng chế, công khai thông tin người nộp thuế chây ì nợ thuế, không nộp tiền thuế đúng hạn lên báo, đài, trang web cơ quan thuế, loa phát thanh phường, xã theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế.
Bên cạnh điểm nóng về gian lận chuyển giá, thất thu từ thuế thương mại điện tử cũng là mối quan ngại với ngân sách nhà nước hiện nay.

Bàn về điều này, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, các hình thức thương mại điện tử hiện nay rất đa dạng và phức tạp. Do đó, muốn kiểm soát được hoạt động kinh doanh này và thu được thuế thì cần biết trên cả nước hiện nay có bao nhiêu tổ chức, cá nhân thực hiện kinh doanh trực tuyến và qua các hình thức nào. Sau đó, đặt ra quy định về việc các cá nhân, tổ chức có kinh doanh lĩnh vực này phải đăng ký dù đã đến ngưỡng chịu thuế hay không.

“Thực tế, số đăng ký hiện nay rất nhỏ. Chúng ta phải làm triệt để trên toàn quốc thì mới mong có thể thu được. Mặt khác, cần kết nối số liệu doanh thu của các cá nhân và tổ chức từ các tài khoản và giao dịch thanh toán để xác minh khi cần thiết. Khi phát hiện có dấu hiệu trốn thuế, cơ quan thuế được phép truy cập vào tài khoản đó”, bà Cúc nói và kiến nghị: “Việc này cần được thực hiện quyết liệt để tạo sự bình đẳng về nghĩa vụ thuế của các cá nhân có hoạt động kinh doanh như nhau”.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Tâm kiến nghị cần xây dựng cơ sở dữ liệu về các cá nhân, tổ chức có hoạt động thương mại điện tử và cho phép cơ quan thuế được tra cứu dữ liệu để phục vụ công tác quản lý thuế khi cần thiết.

Chuyên đề