Nắm chắc tình hình, đưa ra quyết sách kịp thời

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Quốc hội giao năm 2021, nhiệm vụ trước mắt rất nặng nề. Doanh nghiệp cũng đang rất kỳ vọng chính sách hỗ trợ thiết thực, kịp thời, không chỉ để trụ vững, mà còn giúp tận dụng được cơ hội từ sự phục hồi của kinh tế thế giới.
Việc ứng phó, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định và phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021. Ảnh: Lê Tiên
Việc ứng phó, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định và phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021. Ảnh: Lê Tiên

Nhiệm vụ nặng nề

Trong bối cảnh khó khăn, tình hình kinh tế trong 5 tháng đầu năm tiếp tục có diễn biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch Covid-19 vào cuối tháng 4 đã ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu kinh tế tháng 5 và có thể ảnh hưởng sâu hơn trong tháng 6, kéo giảm tăng trưởng quý II.

Theo kịch bản tăng trưởng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cập nhật vào cuối quý I/2021, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,5%, quý II phải đạt 7,19%, quý III 6,78%, quý IV 7,16%. Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2021 vừa diễn ra, Bộ KH&ĐT dự báo quý II/2021, tốc độ tăng GDP dự báo sẽ thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu cập nhật.

Theo nhiều chuyên gia, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6% đã được Quốc hội thông qua và 6,5% như mục tiêu phấn đấu của Chính phủ sẽ thách thức hơn rất nhiều. Quá trình phục hồi tăng trưởng, bối cảnh thực hiện thành công mục tiêu kép năm nay sẽ khó khăn hơn.

Để phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu Quốc hội giao năm 2021, Bộ KH&ĐT trình Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, phải tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu kép; tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp. Đồng thời, điều hành đồng bộ các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phát triển sản xuất, ổn định thị trường, phòng ngừa rủi ro… Việc ứng phó, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định và phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, một trong những bài học kinh nghiệm rút ra trong thời gian qua là tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; quyết tâm, nỗ lực, hành động quyết liệt, khẩn trương với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; nắm chặt tình hình thực tế, lấy phương châm hành động thần tốc, hiệu quả để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; đẩy nhanh việc nghiên cứu, nhập khẩu và tiêm vaccine phòng Covid-19.

Trong những chỉ đạo mới nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phấn đấu thực hiện các mục tiêu Quốc hội đã giao; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Trong tháng 6 và những tháng cuối năm 2021 phải tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, hiệu quả; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; quyết tâm khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội.

Thực thi nhanh giải pháp hỗ trợ

Bên cạnh nhiều khó khăn thách thức, xu hướng phục hồi kinh tế thế giới đã rõ ràng hơn, đặc biệt là những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, đem lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng, nếu kiểm soát nhanh được dịch bệnh, có giải pháp tổ chức sản xuất tốt trong điều kiện chống dịch, tiêm phòng nhanh hơn, nhất là cho các đối tượng làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, thì mục tiêu tăng trưởng 6,7% tuy xa nhưng không có nghĩa là không với tới.

Vì thế, một trong những giải pháp quan trọng lúc này là Chính phủ kịp thời có chính sách, giải pháp hỗ trợ, ngoài các ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, cần tập trung các giải pháp để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, bù đắp cho thị trường nội địa còn yếu.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, tình hình hiện nay khẩn cấp hơn rất nhiều, không còn nhiều thời gian bàn giải pháp mà phải có giải pháp thực thi ngay. Chi phí doanh nghiệp sẽ bị đội lên rất nhiều do phải dành nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19. Các đối tượng trong chính sách mới cần phải tính toán kỹ hơn, thực sự công bằng và thiết thực hơn. Chính sách hỗ trợ cũng phải hướng đến những doanh nghiệp đang tiếp tục trụ vững trong dịch Covid-19.

Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp và Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, điều cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi và kiến nghị chính là thực hiện thành công một Chính phủ hành động. Ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ mong muốn Quốc hội sẽ có một nghị quyết đặc biệt giao quyền cho Chính phủ trong việc chủ động triển khai các biện pháp thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch bệnh. “Nếu kỳ họp tới, Quốc hội ra nghị quyết vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật thông thường thì có thể là một giải pháp để giúp Chính phủ ứng phó nhanh hơn với dịch bệnh và phát triển kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc đề xuất.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề