Năm 2021, lãi suất có thể giảm thêm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm đáng kể được coi là một trong những thành công đáng chú ý của ngành ngân hàng trong năm 2020.
Năm 2020, mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Minh Dung
Năm 2020, mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Minh Dung

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, sang năm 2021, cơ quan này sẽ tiếp tục định hướng điều hành lãi suất linh hoạt, tận dụng mọi cơ hội, điều kiện phù hợp để giảm lãi suất điều hành, qua đó tác động giảm mặt bằng lãi suất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 - 2%/năm lãi suất điều hành. NHNN là một trong các ngân hàng trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực. Đồng thời, cơ quan này cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, tính đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Về định hướng điều hành lãi suất trong năm 2021, NHNN cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD triệt để tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tiếp tục điều hành tín dụng theo hướng mở rộng tín dụng hiệu quả, tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN cho biết, năm 2020, mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp tạo điều kiện cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

“Rất mong mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục được duy trì và có thể giảm tiếp trong thời gian tới. Nhiều ý kiến đặt vấn đề về việc cần tiếp tục giảm lãi suất điều hành để hạ thêm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào biến động của kinh tế vĩ mô. Nếu nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ vững, lạm phát được kiềm chế tốt thì chỉ cần đủ điều kiện và có cơ hội là NHNN sẽ quyết liệt làm ngay việc giảm lãi suất điều hành”, ông Tú nói.

Từ góc độ khác, nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán VnDirect kỳ vọng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2021 trong bối cảnh áp lực lạm phát năm tới ở mức thấp. Mặc dù NHNN có thể sẽ không cắt giảm lãi suất điều hành thêm nữa, nhưng sẽ không nâng lãi suất trong năm 2021, một động thái nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Thay vào đó, NHNN có thể hỗ trợ thị trường tiền tệ thông qua thị trường mở, gia tăng dự trữ ngoại hối, nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, hoặc lùi thời hạn áp dụng các tiêu chuẩn an toàn tài chính cao hơn đối với các ngân hàng thương mại. Nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán VnDirect cho rằng, lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm 0,2 - 0,5 điểm phần trăm trong năm 2021 trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát hạ nhiệt.

Còn theo báo cáo kinh tế vĩ mô của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), năm 2021, dưới động thái điều hành của NHNN, cùng mục tiêu tín dụng tập trung vào chất lượng, xu hướng tăng lãi suất huy động những năm trước khó có thể trở lại.

Về lãi suất cho vay, VCBS cho rằng, mục tiêu giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tính chung cho cả năm) để hỗ trợ tăng trưởng có thể đạt được nhờ một số yếu tố. Đó là, dòng tiền nước ngoài đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho thanh khoản; lãi suất huy động ổn định ở mặt bằng thấp đủ lâu là tiền đề cho xu hướng giảm của lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất cho vay có thể giảm, chủ yếu tại một số lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên.

Theo dự báo của VCBS, lãi suất huy động có thể giảm khoảng 0,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2020 và sau đó ổn định ở mặt bằng thấp. Lãi suất cho vay có thể giảm 0,3 - 0,5 điểm phần trăm do độ trễ giữa giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay sẽ mất ít nhất 6 tháng, thậm chí dài hơn khi các ngân hàng ưu tiên chất lượng tín dụng.

Chuyên đề