Từ nay đến cuối năm, BIDV cố gắng giảm 500-600 tỷ đồng chi phí, tăng thu dịch vụ ròng... để có nguồn giảm lãi suất |
Ngân hàng “cắn răng” giảm lợi nhuận
Chính phủ vừa chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng các kịch bản giảm lãi suất. Ông Nguyễn Văn Hảo, Phó tổng giám đốc điều hành Ngân hàng TMCP Việt Á cho rằng, để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng đều có kế hoạch giảm lãi suất cho vay.
“Lãi suất cho vay là ‘giá bán’ của ngân hàng, nên muốn giảm lãi suất cho vay, trước mắt ngân hàng phải chấp nhận giảm lợi nhuận, tiết giảm chi phí. Còn việc giảm lãi suất huy động thì phải do thị trường quyết định”, ông Hảo nói.
"Đường cong của lãi suất thị trường phụ thuộc vào trái phiếu chính phủ. Nếu lãi suất trái phiếu chính phủ tăng thì làm sao lãi suất thị trường giảm được?" - TS. Lê Xuân Nghĩa.
Hơn một tháng qua, trước lời kêu gọi của NHNN, một loạt ngân hàng quốc doanh (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank) và một số ngân hàng TMCP như TPBank, Techcombank, SHB… đã giảm lãi suất cho vay 0,5-1% với những khách hàng tốt.
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV, đợt giảm lãi suất này khiến BIDV giảm khoảng 400 tỷ đồng doanh thu. Để có nguồn giảm lãi suất, từ nay đến cuối năm, BIDV cố gắng giảm 500-600 tỷ đồng chi phí hoạt động, tăng thu dịch vụ ròng…
Trên thực tế, số ngân hàng tham gia giảm lãi suất chỉ mới chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong hệ thống ngân hàng. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho hay, hiện nay, lãi suất cho vay của các ngân hàng là 7-11%/năm (bình quân 8,5%/năm) trong khi giá vốn đầu vào trung bình đã lên tới 7,8%/năm. Như vậy, ngân hàng “ăn” chênh lệch lãi suất chỉ còn rất nhỏ và muốn giảm lãi thì phải “cắt” lợi nhuận hoặc giảm nhân viên, giảm chi phí.
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, số ngân hàng giảm lãi suất thời gian qua mang tính hành chính nhiều hơn tính thị trường, bởi có rất nhiều yếu tố tác động khiến lãi suất khó giảm.
Chính phủ cũng phải quyết liệt giảm chi tiêu
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, yếu tố quan trọng nhất để giảm lãi suất hiện không nằm ở phía ngân hàng nữa mà nằm ở Chính phủ. Nếu Chính phủ tiếp tục phát hành trái phiếu với lãi suất cao, thì chắc chắn lãi suất không thể giảm.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tín hiệu đáng mừng là gần đây, lãi suất trái phiếu chính phủ có xu hướng giảm. Tuy nhiên, để giảm lãi suất cho vay, Chính phủ phải quyết liệt giảm chi tiêu công hơn nữa, nếu không việc phát hành trái phiếu chính phủ quá lớn sẽ tiếp tục tăng áp lực lên lãi suất.
Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác được coi là rào cản của giảm lãi suất, như nợ xấu chưa được xử lý triệt để, các ngân hàng thương mại còn chậm được tái cấp vốn từ trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cạnh tranh của khối ngân hàng yếu kém, tình trạng lấy vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cao…
Để kịch bản giảm lãi suất trở nên khả thi, TS. Cấn Văn lực cho rằng, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước cần cho các ngân hàng vay tái cấp vốn với lãi suất thấp, cho vay trái phiếu đặc biệt VAMC, tăng tốc độ xử lý nợ xấu để có thêm dòng tiền thực. Được biết, theo Thông tư 18/2015/TT-NHNN, các ngân hàng thương mại được tái cấp vốn tối đa 70% cho trái phiếu đặc biệt mua nợ của VAMC, tuy nhiên thực tế các ngân hàng thương mại được tái cấp vốn rất ít và hạn chế.
Ngoài ra, ông Trần Bắc Hà cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và giảm tỷ lệ dữ trữ thanh khoản cho các ngân hàng. Giải pháp này có thể giải phóng 100.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém nhằm hạn chế cạnh tranh lãi suất không lành mạnh.