Mục tiêu tăng trưởng 6%: Khó nhưng không phải bất khả thi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh chịu nhiều tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều địa phương vẫn đạt kết quả phát triển kinh tế tích cực, đồng thời đang nỗ lực đạt các mục tiêu đã đặt ra cho năm 2021. Quyết tâm của địa phương củng cố thêm động lực, niềm tin để phấn đấu thực hiện cao nhất mục tiêu tăng trưởng năm 2021 của cả nước được Quốc hội thông qua, dù thách thức, khó khăn là rất lớn.
Mục tiêu tăng trưởng 6%: Khó nhưng không phải bất khả thi

Nỗ lực từ các địa phương

Là một trong những tâm dịch trong đợt bùng phát Covid-19 lần thứ tư, nhưng nhiều chỉ tiêu về kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm của Bắc Ninh đều tăng so với cùng kỳ năm trước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết tại cuộc họp báo mới đây của Tỉnh. Theo ông Vương Quốc Tuấn, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm tăng 7,45% so với cùng kỳ 2020; thu ngân sách nhà nước tăng 7,5%; dư nợ tín dụng tăng 20,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,88%; xuất khẩu hàng hóa tăng 29,7%; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 8,1%...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bắc Ninh đã tăng cường quản lý, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp với nhiều sáng tạo chưa có tiền lệ, bảo đảm đúng, trúng, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, quyết tâm cao thực hiện “mục tiêu kép". Một trong những giải pháp chưa từng có tiền lệ đó là bảo đảm điều kiện để công nhân lưu trú và làm việc tại nhà máy, giúp hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn duy trì ổn định sản xuất, góp phần không để đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi liên kết toàn cầu và làm đứt gãy hoạt động kinh tế.

Số liệu được Cục Thống kê Bắc Giang công bố cũng cho thấy quyết tâm rất lớn của địa phương này. Dịch Covid -19 bùng phát đã làm cho sản xuất công nghiệp tháng 5 và 5 tháng của Bắc Giang chững lại và giảm mạnh do xuất hiện nhiều ca dương tính trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, một số ngành, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp ít bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn sản xuất và tiếp tục tăng trưởng. Các chỉ số như sản xuất công nghiệp, thu ngân sách nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công… trong 5 tháng đầu năm đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Lãnh đạo Bắc Giang cho biết, Tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện để phục hồi từ tháng 7, tăng trưởng dù có giảm nhưng vẫn phấn đấu ở mức cao. Ngày 21/6/2021, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Phương án Hỗ trợ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp khôi phục sản xuất, đặt ra mục tiêu đến 1/7/2021, cơ bản các doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoạt động sản xuất trở lại, giá trị sản xuất công nghiệp tăng dần theo các tháng.

Thanh Hóa trong 6 tháng đầu năm ước đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 8,66%, cao nhất trong số các tỉnh Bắc Trung Bộ; sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh; các ngành dịch vụ duy trì tăng trưởng khá; thu ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đạt được kết quả tương đối tích cực. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng hai con số trong năm 2021.

Theo dự báo, nhiều chỉ tiêu 6 tháng của Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thái Bình… đều vượt so với cùng kỳ năm 2020. Các địa phương đều phấn đấu không thay đổi mục tiêu tăng trưởng của năm nay, nhiều địa phương phấn đấu tăng trưởng hai con số. Bài học kinh nghiệm chung của các địa phương là quyết liệt, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, quyết tâm đạt mục tiêu kép, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm sản xuất, kinh doanh, đồng thời chuẩn bị ngay các điều kiện để có thể nhanh chóng tận dụng thời cơ phục hồi, tăng tốc phát triển ngay khi dịch lắng xuống.

Chưa đề xuất điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng

Theo Báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021 được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 57, dự báo tốc độ tăng GDP 6 tháng đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản cập nhật tại thời điểm quý I năm 2021 (tăng 5,92%). Để đạt được mục tiêu tăng trưởng như Quốc hội thông qua là 6%, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. Tuy nhiên, tại Báo cáo, Chính phủ chưa đề xuất điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của cả năm nay.

Dù thách thức là rất lớn, nhưng kết quả tích cực cũng như quyết tâm của nhiều địa phương củng cố niềm tin, động lực để phấn đấu đạt mục tiêu chung của cả nước. Người đứng đầu Chính phủ cũng liên tục nhấn mạnh tinh thần phải biến không thể thành có thể, biến khó khăn, thách thức thành động lực để phấn đấu, trưởng thành. Nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, người dân, doanh nghiệp, rà soát các lĩnh vực, các ngành còn dư địa, quyết tâm giải ngân đầu tư công đạt 100% kế hoạch… đã, đang được Chính phủ nghiên cứu, ban hành, bao gồm cả những cơ chế mang tính đột phá xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn.

Theo nhiều ý kiến, mục tiêu tăng trưởng 6% năm 2021 tuy rất thách thức nhưng không phải là bất khả thi, dư địa cho điều hành vẫn còn, bối cảnh trong nước và quốc tế tuy khó khăn nhưng cũng song hành nhiều cơ hội để tận dụng, bứt phá. Tại báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố mới nhất vào tháng 6/2021, Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 đạt 6,6%. Hai tổ chức lớn khác là Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay khá lạc quan, lần lượt là 6,5% và 6,7%.

Chuyên đề