Việc nâng giá bán vàng của các công ty trong ngày Thần Tài là do yếu tố thời vụ, khi nhu cầu thị trường quá cao. Ảnh: Lê Tiên |
Ngày 14/2, các loại vàng 9999 được giao dịch với giá mua vào và bán ra ở mức từ 3,65 triệu đồng đến 3,75 triệu đồng một chỉ tùy theo thương hiệu vàng và thời điểm mua bán. So với ngày 25/1/2019, giá vàng 9999 của các công ty vàng bạc đã tăng khoảng 500 nghìn đồng/chỉ. Giá vàng đã bắt đầu nhích lên từ dịp sát Tết Nguyên đán đến nay.
Với vàng 9999 được chế tác theo các mẫu gắn với ngày Thần Tài như khắc chữ Phúc, Lộc, Thọ hoặc tạo hình theo năm Kỷ Hợi đều được tính thêm tiền công ở mức 100 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng một chỉ. Như vậy, một chỉ vàng có hình mang ý nghĩa của ngày Thần Tài có giá bán ra từ 3,8 triệu đồng đến hơn 4 triệu đồng.
Đáng chú ý, chênh lệch giá mua và giá bán vàng 9999 trong ngày Thần Tài năm nay cũng ở mức khá cao, khoảng 500 nghìn đồng/chỉ với vàng thường và có lúc lên đến 800 nghìn đồng/chỉ với vàng chế tác theo ngày Thần Tài.
Tại một số cửa hàng vàng ở phố Cầu Giấy và phố Hà Trung, giá vàng 9999 chế tác theo mẫu ngày Thần Tài của các công ty vàng bạc lớn có lúc được bán ra ở mức cao hơn so với giá bán của các công ty này khoảng 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng một chỉ. Đến 15 giờ chiều ngày 14/2, nhiều cửa hàng vàng thông báo đã hết vàng chế tác hình theo năm Kỷ Hợi.
Như vậy, giá vàng ngày Thần Tài năm nay ở mức tương đương với ngày Thần Tài năm ngoái và nhu cầu mua vàng vẫn cao.
Nhận xét về diễn biến trên thị trường vàng trong ngày 14/2, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) nói: “Giá vàng đã nhích lên từ trước Tết Nguyên đán và hiện ở mức khá cao. Năm nay, ngoài dịp lễ Thần Tài, có nhiều yếu tố khác góp phần đẩy giá vàng, đó là, dịp lễ Thần Tài trùng với ngày lễ Valentine, giá vàng thế giới tăng và có thể còn những yếu tố tâm lý khác. Việc nâng giá bán vàng của các công ty trong dịp này là do đã được cộng thêm yếu tố thời vụ khi cầu thị trường quá cao”.
Cùng quan điểm, PGS. TS. Ngô Trí Long nói: “Cung cầu vẫn là yếu tố quyết định về giá trên thị trường hàng hóa, và vàng là mặt hàng không ngoại lệ. Biết mua là chịu lỗ mà người tiêu dùng vẫn mua là bởi họ mua niềm tin. Biết mua vàng chế tác theo hình thức của ngày Thần Tài phải chịu mức giá cao hơn nhưng vẫn mua vì người tiêu dùng sử dụng vàng làm trang sức hoặc trưng bày chứ không hẳn mua để cất đi”.
Theo vị chuyên gia này, “phú quý sinh lễ nghĩa” nên khi kinh tế khấm khá nhiều người có xu hướng cầu may nhiều điều qua những hàng hóa như vậy, đây là xu hướng tăng nhu cầu theo kiểu truyền miệng. Các công ty vàng bạc đánh giá được thị trường trong dịp này nên chuẩn bị hàng hóa nhiều hơn để kiếm lợi trong một vụ mùa lớn nhất của cả năm.
Trong khi đó, xét từ khía cạnh lợi nhuận, cách tăng nhu cầu như vậy mang lại thiệt hại cho người mua và lợi lớn cho các cơ sở kinh doanh vàng. Những năm gần đây, giá vàng sau ngày Thần Tài thường giảm đáng kể từ 10% đến 30% so với thời điểm giao dịch ngày Thần Tài.
Bình luận về điều này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc mua niềm tin và mua may mắn trong ngày vía Thần Tài hoàn toàn không có cơ sở khoa học, trong khi dữ liệu thị trường luôn khẳng định là người mua chịu lỗ, càng mua nhiều thì càng lỗ lớn.
"Đóng cửa ngày giao dịch, rõ ràng Thần Tài đã chễm chệ trong nhà người kinh doanh vàng với khối lợi nhuận lớn. Vẫn có một đám đông dễ tin như vậy để người khác hưởng lợi”, ông Hiếu nhận định và cho rằng: “Trong ngày này, nên bán vàng hơn là mua, vì có thể nhìn thấy lợi nhuận rõ ràng”.