Mỏ vật liệu xây dựng tại miền Trung - Tây Nguyên: Nghịch lý đấu giá nhiều, khai thác ít

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng trăm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường như đất, cát, đá được các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên đưa ra đấu giá thời gian qua nhằm đáp ứng nhu cầu của các dự án, công trình. Trong đó, nhiều mỏ được đấu giá thành công nhưng thủ tục cấp phép chậm nên chưa thể đưa vào khai thác, một số mỏ bị người trúng đấu giá trả lại, không thực hiện thủ tục để khai thác.
Nhiều mỏ đất, cát làm vật liệu san lấp tại Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Quảng Trị bị doanh nghiệp trúng đấu giá trả lại. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Nhiều mỏ đất, cát làm vật liệu san lấp tại Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Quảng Trị bị doanh nghiệp trúng đấu giá trả lại. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Vì sao doanh nghiệp trúng đấu giá trả lại mỏ?

Tháng 4/2023, tỉnh Kon Tum tổ chức đấu giá thành công 8 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có 4 mỏ cát, 2 mỏ đất sét, 2 mỏ đất đắp. Hơn 1 năm sau, mới có 2 mỏ được cấp giấy phép khai thác đất san lấp, trữ lượng 2.841.056 m3 (của Công ty TNHH Tuấn Dũng tại thôn Kon Gur, xã Đăk Blà, TP. Kon Tum và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Tiến Dung Kon Tum tại thôn Đăk Puih, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy), nhưng vẫn chưa thể khai thác do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng. Tình trạng này cũng diễn ra tại tỉnh Phú Yên với hơn 30 mỏ khoáng sản đã có kết quả trúng đấu giá nhưng chưa hoàn tất thủ tục cấp phép (gồm 10 mỏ cát, 10 mỏ đá, 11 mỏ đất san lấp và 1 mỏ đất sét).

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ khoáng sản tại Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Quảng Trị… trả lại mỏ. Đơn cử, tại Thừa Thiên Huế, UBND Tỉnh đã hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp đối với Công ty CP Đầu tư Thuận Hóa do công ty này tự nguyện trả lại và chấp nhận mất số tiền đặt trước 70,016 triệu đồng.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Quảng Ngãi với 4 trong số 5 mỏ cát được đấu giá thành công. Nguyên nhân trả lại mỏ sau khi trúng đấu giá, theo quyền Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung, là do cuộc đấu giá diễn ra cuối năm 2023 nhưng năm 2024 mới lập thủ tục, hoàn thiện nên bảng thuế tài nguyên đã thay đổi, tăng cao hơn, doanh nghiệp đề nghị tính thuế tài nguyên thời điểm năm 2023.

Ngoài ra, ở Quảng Trị, cùng lúc có 6 doanh nghiệp bị hủy kết quả trúng đấu giá quyền khai thác 6 mỏ đất do không nộp hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò khoáng sản theo yêu cầu. Được biết, các doanh nghiệp này đều trúng đấu giá quyền khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp với giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, có doanh nghiệp trả cao hơn 30 lần so với giá khởi điểm.

Giải pháp nào hữu hiệu?

Theo bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đối với hơn 30 mỏ khoáng sản chưa được cấp phép khai thác, Tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo cụ thể từng sở, ngành liên quan tháo gỡ vướng mắc. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở TN&MT tham mưu gỡ vướng chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác; Sở Giao thông vận tải phối hợp với nhà đầu tư, UBND các huyện khảo sát thực địa, lập phương án đấu nối giao thông phục vụ vận chuyển vật liệu. “Sở TN&MT lập bảng theo dõi tiến độ chi tiết từng thủ tục, công việc đã, đang và sẽ thực hiện của từng điểm mỏ trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xác định cụ thể mốc thời gian giải quyết hoàn thành từng hồ sơ, thủ tục và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương”, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu.

Bên cạnh những vướng mắc về mặt bằng, thủ tục từ phía địa phương, Sở TN&MT tỉnh Kon Tum cho rằng, từ khi Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực đến nay, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT vẫn chưa có quy định cụ thể về việc xác định giá khởi điểm và cách tính giá sàn các bước giá trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhất là các mỏ cát trên sông, nên việc cấp phép khai thác khoáng sản nói chung và cát xây dựng nói riêng tại địa phương không thể thực hiện được. Mặc dù UBND tỉnh Kon Tum đã có văn bản về khu vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở các con sông trên địa bàn Tỉnh, trước mắt đưa vào đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên sông Đắk Bla và thống nhất 8 điểm khai thác cát sỏi trên sông Đắk Bla, nhưng việc triển khai vẫn còn... nằm trên giấy vì quy định chưa đầy đủ, thiếu thông tư hướng dẫn.

Đối với mỏ khoáng sản đã trúng đấu giá bị doanh nghiệp trả lại, đến nay có nhiều giải pháp được áp dụng theo quy định. Chẳng hạn, Quảng Ngãi đã quyết định nâng tiền đặt cọc đối với tập thể, cá nhân khi muốn tham gia đấu giá mỏ khoáng sản. Cụ thể, với 2 mỏ cát sắp được đưa ra đấu giá, Quảng Ngãi yêu cầu doanh nghiệp đặt cọc hơn 1 tỷ đồng (mỏ cát tại thôn Diên Niên) và 1,6 tỷ đồng (mỏ cát tại thôn Xuân Phổ Đông, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa).

Theo chuyên gia đấu giá, việc yêu cầu đặt cọc cao trong đấu giá các mỏ khoáng sản là cần thiết nhằm hạn chế việc nâng giá cao hơn nhiều lần giá khởi điểm để trúng đấu giá rồi trả mỏ, trong khi những doanh nghiệp có nhu cầu thật lại bị loại.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đối với 6 mỏ đất doanh nghiệp trả lại, địa phương sẽ không cho phép các doanh nghiệp này tham gia đấu giá các mỏ khác.

Cuối tháng 6/2024, thảo luận về Dự án Luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, sau 13 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010, một số quy định về quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản bộc lộ bất cập, thiếu đồng bộ, chưa có sự gắn kết; quy định về thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chưa phù hợp với thực tiễn; chưa có quy định về điều tra cơ bản địa chất… Do đó, cần phải rà soát, sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chuyên đề