Mở rộng hành vi bị nghiêm cấm trong đấu giá tài sản

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS). Đại biểu Quốc hội đã dành sự quan tâm, cho ý kiến đối với việc sửa đổi, bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm được đưa ra trong Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, việc bổ sung quy định về những người không được đăng ký tham gia đấu giá cùng một tài sản cũng được đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm rõ, cân nhắc kỹ.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản bổ sung nhiều quy định nhằm ngăn chặn tình trạng thông đồng, móc nối, tiêu cực trong đấu giá. Ảnh: NC st
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản bổ sung nhiều quy định nhằm ngăn chặn tình trạng thông đồng, móc nối, tiêu cực trong đấu giá. Ảnh: NC st

Làm rõ hơn về các hành vi bị nghiêm cấm

So với Luật ĐGTS 2016 và Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Dự thảo lần này đã sửa đổi, bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi “cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề ĐGTS”. Bày tỏ nhất trí cao, đại biểu Nguyễn Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho biết, trên thực tế việc nộp hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức đấu giá đã phát sinh tình trạng này và cũng đã phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị.

Tuy nhiên, Luật ĐGTS, Thông tư số 02/2022/TT-BTP về hướng dẫn lựa chọn tổ chức ĐGTS và Nghị định số 82/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính chưa có bất kỳ điều khoản nào quy định về hành vi này cũng như chế tài xử lý. Chỉ có khoản 3 Điều 2 Thông tư số 02/2022/TT-BTP quy định: “Tổ chức ĐGTS tự chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của các thông tin trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn và phải chịu hậu quả bất lợi do việc kê khai không đầy đủ, không chính xác thông tin quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này”. Do đó, trên thực tế cơ quan, người có thẩm quyền không có cơ sở pháp lý để xác định và xử lý hành vi trên.

Để hoàn thiện hơn quy định của pháp luật, bà Hà đề nghị điều chỉnh theo hướng nghiêm cấm hành vi “cung cấp thông tin không trung thực, không chính xác, không đầy đủ hoặc giả mạo trong hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản”. Bà Hà cho biết, thực tế đã có tình trạng tổ chức ĐGTS không trung thực, không kê khai đầy đủ thông tin trong hồ sơ theo hướng có lợi cho tổ chức mình và người có tài sản cũng không và chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc xem xét, xác minh hồ sơ dẫn đến việc lựa chọn tổ chức đấu giá không phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) nêu quan điểm, Luật ĐGTS đang bỏ trống các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức ĐGTS. Do đó, đại biểu này đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức ĐGTS như: gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện, không thực hiện việc ĐGTS hoặc thực hiện việc ĐGTS không đúng quy định.

Cân nhắc quy định về người không được tham gia đấu giá cùng một tài sản

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm tới quy định những người không được đăng ký tham gia đấu giá. Hiện, Dự thảo Luật bổ sung điểm e vào khoản 4 Điều 38 của Luật ĐGTS quy định những người không được đăng ký tham gia đấu giá là: “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con; các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản”.

Đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, trên thực tế rất khó để thực hiện quy định này. Bởi lẽ, khi tổ chức đấu giá, tổ chức đấu giá chuyên nghiệp không thể biết hết quan hệ gia đình trong số những người tham gia đấu giá và cũng không có điều kiện để xác minh các thông tin nói trên. Mặt khác, việc sở hữu tài sản chung của vợ chồng đã được quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình; cha, mẹ với con cái, anh chị em ruột với nhau đều có năng lực hành vi dân sự riêng, có thể độc lập với nhau về tài sản. Đề nghị cân nhắc việc đưa nội dung này vào Dự thảo Luật. Nếu đưa vào Luật ĐGTS, cần có cơ chế để thực hiện bảo đảm tính khả thi trong thực tế, cũng như bảo đảm quyền của cá nhân khi tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, cần làm rõ thế nào là “có khả năng chi phối hoạt động”, vì quy định này mang tính định tính, rất khó xác định trong thực tế.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) cho rằng, việc quy định thêm các đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá gồm: "công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản” là phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản có liên quan. Qua đó tránh được tình trạng thông đồng, dìm giá, “quân xanh, quân đỏ”, tiêu cực trong hoạt động ĐGTS.

Tuy nhiên, không nên bổ sung nhóm đối tượng “cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột" vì không phù hợp cả về mặt pháp lý và thực tế. Nếu quy định cấm nhưng không kiểm soát được, khi đấu giá xong mới biết người tham gia có quan hệ hôn nhân hoặc huyết thống thì sẽ phải hủy kết quả trúng đấu giá để đấu giá lại. Điều này sẽ tạo ra một hệ lụy rất lớn, gây tốn kém, lãng phí cho các bên, đó là chưa kể đến việc tổ chức ĐGTS phải đối diện với việc có tranh chấp, khiếu kiện phức tạp.

Tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh (đại diện Cơ quan thẩm tra Dự thảo Luật) cho biết, sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến trên tinh thần làm sao ngăn chặn được tình trạng thông đồng, móc nối, làm sai lệch, ảnh hưởng tới kết quả của cuộc đấu giá.

Chuyên đề