Mở lối thúc đẩy tín dụng tiêu dùng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Xây dựng quy định bảo đảm lợi ích chính đáng của người cho vay, có biện pháp khuyến khích tiếp cận vốn với người vay tiêu dùng lý lịch tốt, nghiên cứu mô hình sàn giao dịch nợ xấu tiêu dùng là một số giải pháp được đề xuất để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng phát triển tích cực hơn trong thời gian tới.
Cho vay phục vụ tiêu dùng vừa đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân vừa góp phần kích cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nhã Chi
Cho vay phục vụ tiêu dùng vừa đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân vừa góp phần kích cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nhã Chi

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, cho vay phục vụ tiêu dùng là nhu cầu hết sức khách quan và cần thiết của xã hội, vừa đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người dân vừa góp phần kích cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đến cuối tháng 9/2023, toàn hệ thống có 84 tổ chức tín dụng triển khai hoạt động tín dụng tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính tiêu dùng.

“Để giúp người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay, nhất là lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống và tiêu dùng cá nhân, hạn chế tín dụng đen, các tổ chức tín dụng và công ty tài chính đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình hình hoạt động. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 tới nay, do ảnh hưởng tiêu cực của suy giảm kinh tế toàn cầu và khó khăn trong nước, các ngân hàng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đến hết tháng 9/2023, tốc độ tăng trưởng cho vay tiêu dùng ở mức rất thấp, chỉ tăng 1,53% so với cuối năm 2022”, ông Tú chia sẻ.

Theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), quy mô dư nợ vay tiêu dùng/GDP của Việt Nam hiện ở mức 27,17%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 60 - 70% ở các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan, Malaysia.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA cho biết, hiện công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao, một số tổ chức tín dụng buộc phải chủ động cắt giảm danh mục cho vay tiêu dùng, tránh nợ xấu tiếp tục phát sinh.

Theo ông Nguyễn Đình Đức, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn HD SAISON (HD SAISON), khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng nói chung chủ yếu là khách hàng cá nhân Việt Nam có thu nhập trung bình thấp, chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng từ ngân hàng thương mại, trong đó phần lớn là công nhân và lao động tự do. Trong thời gian vừa qua, hàng loạt doanh nghiệp cắt giảm nhân sự khiến tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng, làm suy giảm khả năng thanh toán của nhóm khách hàng này. Bên cạnh đó, nhiều người khi vay tiền không trung thực khai báo thông tin cá nhân và trách nhiệm trong việc hoàn trả khoản vay.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Đức, cần có các biện pháp cụ thể nhằm kêu gọi, nâng cao ý thức, thái độ của người vay và đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng tham gia vào các hội nhóm “bùng nợ”, cũng như những người hướng dẫn và khuyến khích hành vi cố tình không trả nợ.

Từ góc độ pháp lý, TS. Lê Thị Hoàng Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế thuộc Bộ Tư pháp cho rằng, các văn bản về tín dụng tiêu dùng còn tiếp cận mối quan hệ giữa người cho vay (ngân hàng thương mại, công ty tài chính) với người đi vay ở góc độ người đi vay là bên yếu thế và có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế, thiếu một số quy định cần thiết ở góc độ bảo đảm lợi ích chính đáng của người cho vay.

Bà Thanh kiến nghị, cần nghiên cứu xây dựng văn bản pháp luật về tín dụng tiêu dùng, trong đó, quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết các tranh chấp về tín dụng tiêu dùng, tích hợp thông tin dữ liệu trong căn cước công dân để các công ty tài chính, ngân hàng có dữ liệu khi cấp vốn.

Quy định cơ chế thúc đẩy các tổ chức tín dụng, công ty tài chính phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới, từ đó quản trị rủi ro tín dụng và tiết giảm chi phí để tối ưu hóa hoạt động, cân đối phù hợp giữa rủi ro và lãi suất cho vay.

Đồng thời, cần có biện pháp khuyến khích tiếp cận vốn với người vay tiêu dùng có lý lịch tốt, nghiên cứu mô hình sàn giao dịch nợ xấu tiêu dùng, quy định tổ chức tín dụng được khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp; trách nhiệm các cơ quan trong việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp và các hệ thống dữ liệu quốc gia khác (đất đai, tài sản, thuế…).

Chuyên đề