Mở không gian phát triển gắn với tạo dựng thương hiệu, giá trị mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, TP. Cần Thơ dự kiến bố trí không gian thành 10 vùng công năng gắn với ý tưởng tạo dựng thương hiệu, giá trị mới với mỗi quận, huyện một trọng tâm, một thương hiệu trên cơ sở khai thác lợi thế, tiềm năng từng vùng riêng biệt.
Việc phân vùng công năng tại TP. Cần Thơ vừa phải đảm bảo tính phù hợp, vừa đảm bảo tính thống nhất liên vùng cho phát triển. Ảnh: Lê Tiên
Việc phân vùng công năng tại TP. Cần Thơ vừa phải đảm bảo tính phù hợp, vừa đảm bảo tính thống nhất liên vùng cho phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Theo UBND TP. Cần Thơ, việc phân vùng công năng phải vừa đảm bảo tính phù hợp, vừa đảm bảo tính thống nhất liên vùng cho phát triển. Mỗi quận, huyện có một trọng tâm, một thương hiệu, phát huy tối đa thương hiệu hiện hữu. Với mục tiêu phát triển cân bằng, Quy hoạch TP. Cần Thơ giai đoạn tới dự kiến được phân thành 10 vùng công năng kinh tế - xã hội, bao gồm: Trung tâm đô thị lịch sử (khu vực quận Ninh Kiều, Nam Bình Thủy, Bắc Cái Răng); Cụm văn hóa, giải trí ven sông (khu vực Đông Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng); trung tâm logistics (khu vực Bắc Bình Thủy, Nam Cái Răng); Thành phố sinh thái thông minh Phong Điền - Tây Cái Răng; Thành phố sân bay (Bắc Bình Thủy); Thành phố du lịch sinh thái (khu vực Ô Môn, Thốt Nốt); Trung tâm đầu mối công nghệ cao, thành phố kết nối tại quận Ô Môn; Nông nghiệp công nghệ cao (khu vực Cờ Đỏ, Tây Thới Lai, Tây Phong Điền); Hành lang công nghiệp Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh; Khu vực năng lượng tái tạo Vĩnh Thạnh.

Trong đó, vùng công năng Trung tâm đô thị lịch sử sẽ ưu tiên chức năng trung tâm hành chính, giáo dục và chăm sóc sức khỏe; khu kinh doanh, tài chính; đường ven sông đi bộ và mua sắm, dịch vụ nhà hàng. Vùng công năng này là lõi của trung tâm đô thị hiện hữu đã phát triển mạnh trong hai thập niên vừa qua. Với việc tiếp tục hoạch định mới vùng công năng này, Cần Thơ kỳ vọng sẽ tạo giá trị mới với chất lượng phát triển cao hơn trong tương lai.

Vùng công năng Cụm văn hóa, giải trí ven sông được định hướng tạo giá trị từ khai thác bảo tàng, dịch vụ giải trí, sân gôn, cắm trại, chợ nổi, khu nghỉ dưỡng, khách sạn và khu dân cư kết hợp với các cụm du lịch. Vùng này khai thác tiềm năng cảnh quan sông nước bờ Nam sông Hậu với thế mạnh nằm ngay trung tâm đô thị lõi TP. Cần Thơ và điểm kết nối của hành lang liên tỉnh.

Cũng trong vùng lõi, Trung tâm logistics gồm khu vực Bắc Bình Thủy, Nam Cái Răng được Cần Thơ định hình với giá trị thương hiệu là trung tâm logistics của Đồng bằng sông Cửu Long, dịch vụ logistics end-to-end; kho bãi, vận chuyển hàng hóa, các dịch vụ chuyên biệt và phát triển năng lượng với các dự án năng lượng tái tạo, điện hiện có. Định hướng này sẽ giúp Thành phố trung tâm của vùng phát huy tối đa lợi thế sở hữu Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cảng Trà Nóc, cảng biển Cái Cui, giao lộ các tuyến quốc lộ, cao tốc đã và đang hình thành như Quốc lộ 1, cầu Cần Thơ, Quốc lộ 91, cao tốc Bắc - Nam từ TP.HCM tới Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tuyến Nam sông Hậu… Đặc biệt, trung tâm logistics này sẽ đảm nhiệm vai trò bệ đỡ cho các khu công nghiệp hiện hữu tại khu vực Trà Nóc, trung tâm đô thị - công nghiệp mới hình thành trong tương lai và cả các khu công nghiệp chế biến nông sản trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cơ sở thực tiễn cho việc hình thành trung tâm logistics này là Cần Thơ sở hữu cả 3 phương thức giao thông đường bộ, hàng không và đường biển. Theo đó, Cần Thơ phát triển trung tâm logistics tại quận Cái Răng, khu trung tâm logistics hàng không tại quận Bình Thủy và phát triển cảng Cái Cui thành cảng biển quốc tế với dịch vụ logistics cảng biển.

Một vùng công năng nữa đáng chú ý trong quy hoạch TP. Cần Thơ là Thành phố sinh thái thông minh Phong Điền - Tây Cái Răng. Với thế mạnh vị trí vùng đệm giữa trung tâm lõi đô thị và vùng nông nghiệp, nông thôn, vùng công năng này có điều kiện sinh thái, cảnh quan thiên nhiên đậm bản sắc sông nước vùng Nam Bộ. Do vậy, nơi đây được định hình là thành phố thông minh; khu công nghệ cao; khu dân cư; khu bán lẻ; khu sinh thái mới bao gồm khách sạn và điểm vui chơi giải trí; phát triển các trường đại học, bệnh viện, khu công nghệ thông tin, bán lẻ cao cấp và đô thị nông nghiệp.

Là địa phương sở hữu cảng hàng không quốc tế, theo kế hoạch phát triển chung của Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Cần Thơ sẽ là trung tâm và trong tương lai sẽ mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ lên quy mô 10.000 ha. Trong Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Cần Thơ định hướng hình thành Thành phố sân bay tại phía Bắc quận Bình Thủy với trung tâm mua sắm miễn thuế, sân bay, hoạt động công nghiệp, khách sạn sân bay, khu dân cư tầm trung. Thành phố sân bay này được kỳ vọng phục vụ nhu cầu xuất khẩu nông sản và phát triển du lịch. Nhiệm vụ quy hoạch Thành phố sân bay 10.000 ha được đặc biệt chú trọng. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2030, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ sẽ được đầu tư mở rộng để đạt công suất 7 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2030 - 2050, dự kiến xây dựng mới 1 khu hàng không dân dụng, 1 đường cất hạ cánh để nâng công suất lên 15 triệu hành khách/năm. Cùng với lộ trình này, việc hoạch định không gian cho Thành phố sân bay có nhiều cơ sở để hiện thực hóa trong giai đoạn tới.

Trong 10 vùng công năng, Cần Thơ dự tính phân chia 3 vùng công năng thuộc vùng nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Thành phố du lịch sinh thái Ô Môn - Thốt Nốt có các khu dân cư hạng trung cho cư dân trong khu công nghiệp, dịch vụ, bán lẻ, ẩm thực, nhà hàng, ăn uống.

Trung tâm đầu mối công nghệ cao, thành phố kết nối tại quận Ô Môn sẽ phát triển sản xuất công nghệ cao như điện tử, linh kiện năng lượng, khu công nghiệp giá trị cao, chế biến thực phẩm bền vững, kho lạnh. Hiện nay, Ô Môn là địa phương phát triển nhiều khu đô thị, khu công nghiệp gồm: Khu công nghiệp Trà Nóc 2, khu nhà máy điện, Khu công nghệ cao và các đô thị phục vụ khu công nghiệp dọc sông Hậu, Quốc lộ 91 và sông Trà Nóc, quy mô khoảng 1.600 ha. Ô Môn đang kêu gọi đầu tư 5 dự án: Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Ô Môn - Cần Thơ (500 ha), Khu đô thị mới Ô Môn 1 (158,57 ha), Khu đô thị mới Ô Môn 2 (69,55 ha), Khu đô thị mới phường Châu Văn Liêm (21,56 ha), Khu đô thị mới phía Nam Quốc lộ 91 phường Châu Văn Liêm (41,75 ha).

Vùng công năng Nông nghiệp công nghệ cao tại Cờ Đỏ, Tây Thới Lai và Tây Phong Điền sẽ hình thành khu trồng trọt nông nghiệp năng suất cao và năng lượng mặt trời dựa trên thế mạnh về quỹ đất nông nghiệp và kết quả phát triển mạnh mẽ ngành nông nghiệp ở khu vực này.

Đối với trục ngang dọc cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, TP. Cần Thơ dự kiến phân bổ không gian phát triển 2 vùng công năng kinh tế - xã hội. Thứ nhất, Hành lang công nghiệp Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh với định hướng phát triển công nghiệp dược phẩm, sản xuất truyền thống và khu công nghiệp. Thứ hai là Khu vực năng lượng tái tạo Vĩnh Thạnh với ngành công nghiệp năng lượng mặt trời kết hợp nông nghiệp. Hai vùng công năng này được Cần Thơ xác định là vùng trung tâm đô thị - công nghiệp mới với định hướng chung là phát triển một vùng công nghiệp quy mô lớn xen lẫn đất sinh thái và các điểm trung tâm đô thị nhỏ, tạo thành một cực phát triển ở phía Bắc TP. Cần Thơ.

Liên quan đến bố trí không gian gắn với ý tưởng tạo dựng thương hiệu, giá trị mới, Cần Thơ đang tập trung phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị… và sự phù hợp về phân bố phát triển không gian của hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo các ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định để cập nhật, chỉnh sửa, làm nổi bật những điểm riêng có của TP. Cần Thơ, xứng đáng là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. TP. Cần Thơ đang hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch để sớm trình cấp thẩm quyền phê duyệt.

Chuyên đề