Mặt bằng vẫn cản tiến độ dự án

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình trạng thiếu mặt bằng thi công đang khiến nhiều dự án đầu tư công phía Nam không thể triển khai theo đúng tiến độ. Chính quyền các địa phương đang xoay trở để cởi trói nút thắt đền bù, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, các giải pháp được thực thi chưa thể giải quyết căn cơ vấn đề giá đền bù, tái định cư… cho người dân nên câu chuyện mặt bằng vẫn “tắc”.
Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT743 tỉnh Bình Dương chưa thể đẩy nhanh tiến độ vì vướng mặt bằng. Ảnh: Ngọc Tuấn
Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT743 tỉnh Bình Dương chưa thể đẩy nhanh tiến độ vì vướng mặt bằng. Ảnh: Ngọc Tuấn

TP.HCM và 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương là những địa phương có quy mô đầu tư công lớn tại khu vực Đông Nam Bộ. Tuy lượng vốn đầu tư công phân bổ theo kế hoạch hằng năm lớn, song tỷ lệ giải ngân của các địa phương này thường thấp hơn mức trung bình cả nước. Cụ thể, năm 2021, TP.HCM chỉ giải ngân được 16.589 tỷ đồng, tương ứng 51,4% kế hoạch (tính đến 31/12/2021). Trong khi đó, Đồng Nai cũng chỉ đạt 61% kế hoạch, thấp hơn rất nhiều mục tiêu đề ra cho năm 2021. Đối với Bình Dương, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 (bao gồm cả lượng vốn năm 2020 kéo dài) cũng chỉ hơn 8.333 tỷ đồng, đạt 61,5% kế hoạch.

Kết thúc quý I/2022, kết quả giải ngân đầu tư công của các địa phương trên vẫn chưa có chỉ dấu tích cực hơn khi thuộc nhóm địa phương đạt mức trung bình thấp. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân chậm là vướng mắc về giải phóng mặt bằng sạch để triển khai dự án.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, một trong ba nhóm giải pháp chính cần tập trung để thúc đẩy giải ngân trong năm 2022 là đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án có thu hồi đất, để bàn giao mặt bằng các dự án cho chủ đầu tư triển khai thực hiện.

Công tác giải phóng mặt bằng chưa thể chuyển biến đột phá, vấn đề mấu chốt là người dân chưa đồng thuận về chính sách giá đền bù, mức hỗ trợ giải phóng mặt bằng cũng như vấn đề tái định cư.

Theo ghi nhận của phóng viên, thời gian qua, TP.HCM có nhiều công trình thi công bị chậm trễ, kéo dài nhiều năm đều do vướng mặt bằng. Nhiều dự án hoàn thành phần lớn khối lượng, nhưng chỉ vì vướng một, hai hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng mà không thể hoàn tất và đưa vào sử dụng.

Đối với Đồng Nai, một địa phương chịu áp lực rất lớn do có nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn, để giải bài toán mặt bằng, chính quyền đã huy động cả bộ máy vào cuộc. Tuy vậy, tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư công hiện còn nhiều khó khăn. Trong tổng số 18 công trình, dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn Đồng Nai, có đến gần phân nửa đang bị vướng mặt bằng. Đây là khó khăn nổi cộm nhất trong việc triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn Tỉnh.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian tới sẽ có khoảng 12 dự án nhóm A được triển khai trên địa bàn gồm: các tuyến đường cao tốc, đường vành đai và đường tỉnh. Vì vậy, để công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu, Đồng Nai đã thống nhất chủ trương tách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thành 3 ban riêng. Trong đó, Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai sẽ là đơn vị chuyên thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm. Đây là điểm mới mà Đồng Nai dự kiến sẽ thực hiện để có thể làm nhanh, kịp thời công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án.

Ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, năm nay, Tỉnh mở hẳn một chiến dịch giải phóng mặt bằng. Theo đó, Bình Dương có chủ trương thành lập các tổ công tác đôn đốc, chỉ đạo toàn diện giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn. Bình Dương kỳ vọng các tổ công tác sẽ giúp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

Các địa phương lớn trong vùng Đông Nam Bộ đã có những giải pháp, bước đi thể hiện quyết tâm nhằm có đủ mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, dù kết quả có tích cực hơn, song chưa thể giải quyết căn cơ vấn đề này. Thực tế, ghi nhận một số báo cáo quý I/2022 của các chủ đầu tư lớn ở ba địa phương này cho thấy, hàng loạt dự án vẫn thiếu mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công.

Theo ý kiến của các chủ đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng chưa thể chuyển biến đột phá, vấn đề mấu chốt là người dân chưa đồng thuận về chính sách giá đền bù, mức hỗ trợ giải phóng mặt bằng cũng như vấn đề tái định cư. Cũng theo ý kiến các chủ đầu tư, ngoài quyết tâm của các địa phương, cần có những thay đổi về quy định pháp luật để đơn giản hóa quy trình giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, phê duyệt các dự án để bắt nhịp với sự phát triển thực tiễn.

Chuyên đề