Nhiều đoạn thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua miền Trung vướng hạ tầng điện khiến nhà thầu khó triển khai thi công. Ảnh: Quang Đạt |
Tại Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong (thuộc địa phận TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), tiến độ di dời hạ tầng kỹ thuật (lưới điện) còn chậm. Tại Km20+440 - Km20+680 mới thi công được 2 cột tạm (224T, 227T) đường dây 220kV, toàn bộ hệ thống lưới điện chưa được di dời; thi công hoàn thành 57/59 móng trụ, nhưng còn 32 trụ điện chưa hoàn thành lắp dựng, kéo dây hoàn trả lưới điện cao thế. Theo Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc, trên tuyến này, Nhà thầu đang thi công xử lý nền đất yếu bằng cách khoan cọc đổ bê tông xi măng. Chiều cao của máy khoan cọc là 30m nhưng chiều cao dây điện là 17m nên rất khó triển khai công việc. “Trong điều kiện bình thường, với khối lượng như hiện nay chỉ cần 2 tháng để thi công, nhưng có thể phải kéo dài 3 tháng”, Nhà thầu Phúc Lộc cho hay.
Tương tự, đoạn Vân Phong - Nha Trang cũng vướng hạ tầng kỹ thuật. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, địa phương phải hoàn thành di dời điện cao thế trước ngày 15/8, nhưng đến nay, các hạng mục đều triển khai rất chậm. Địa phương mới di dời 118/164 vị trí hạ tầng kỹ thuật, còn 46 vị trí chưa di dời (22 vị trí điện trung, hạ thế; 2 vị trí chiếu sáng; 19 vị trí điện cao thế 110kV, 220kV; 3 vị trí viễn thông). Ngoài ra, còn 3 vị trí trạm biến áp của các công trình điện mặt trời áp mái vẫn án ngữ. Trên mặt bằng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, một số vị trí hạ tầng kỹ thuật điện cao thế, trung, hạ thế tại Quy Nhơn (Bình Định), Sông Cầu, Tuy An (Phú Yên) vẫn chưa được di dời.
Cùng vướng mắc trên, Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn còn hơn 20 điểm vướng mắc đường điện hạ thế, đường dây viễn thông. Tại vị trí đầu tuyến phía Bắc, trụ viễn thông Viettel cùng hệ thống điện hạ áp 0,4kV vẫn chưa được di dời. “Hạ tầng còn vướng nên công tác thi công nền đường đoạn đầu tuyến chỉ làm được 1/2 làn. Hệ thống đường dây điện 0,4kV cắt ngang công trường trên tuyến đường đi Truông Ổi nên không thể đưa thiết bị cơ giới tiếp cận thi công. Đồng thời, dọc theo tuyến, hệ thống cấp nước sạch cũng chưa được di dời”, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Dacinco - nhà thầu thi công Gói thầu XL01 (Km0 - Km30) cho biết.
Ở Bắc Trung Bộ, Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ đi qua huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vướng cùng lúc hệ thống điện lưới, hạ tầng viễn thông, đường dây thông tin. Lãnh đạo huyện Lệ Thủy cho biết, lý do chậm di dời là các hộ dân chưa thống nhất phương án hỗ trợ dưới hành lang điện.
Dự án thành phần đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng đi qua địa bàn huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) ảnh hưởng đến 6 hệ thống điện, bao gồm 500kV, 220kV, 110kV, 35kV, 22kV và 0,4kV. Trong đó, hệ thống lưới điện 500kV mới triển khai thi công, lắp đặt phần cột điện, đường dây, tiến độ đạt khoảng 15%; lưới điện 220kV qua địa bàn huyện Thạch Hà đạt 30%, huyện Cẩm Xuyên đạt 72% và huyện Đức Thọ đạt 45%...
Không chỉ vướng mắc hạ tầng kỹ thuật, một số dự án thành phần còn vướng chuyển đổi đất rừng thành đất dự án năng lượng, gồm: Dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ tại Km598; Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn chưa chuyển đổi mục đích sử dụng 12 ha rừng phòng hộ vùng giáp ranh qua 2 huyện Phù Mỹ và Hoài Ân (Bình Định). Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu giải trình kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở đó Chính phủ đang lấy ý kiến của thành viên Chính phủ trước khi hoàn thiện Tờ trình để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ nút thắt này.
Theo Ban Quản lý dự án 7 (Chủ đầu tư Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong), nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ di dời hệ thống điện 220kV, 110kV tại các tỉnh Phú Yên, Bình Định là do chậm cung ứng vật tư thiết bị điện, phụ kiện đường dây cao thế vì phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đến tháng 7/2024, nhà thầu mới có đủ phụ kiện đường dây tại chân công trình. Lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT)_có ý kiến với Bộ Công Thương hỗ trợ các địa phương và các chủ đầu tư để được ưu tiên sớm có nguồn vật tư triển khai di dời đường dây điện cao thế.
Đối với những vướng mắc tại Dự án Vân Phong - Nha Trang, trong chuyến kiểm tra mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm lưu ý các đơn vị cần chủ động phối hợp với ngành điện, bố trí lịch cắt điện linh hoạt, tránh ảnh hưởng đến tiến độ thi công Dự án. Tại một số vị trí vướng trạm biến áp điện mặt trời, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Khánh Hòa tiếp tục làm việc với chủ đầu tư xử lý sớm, hoàn thành di dời trong tháng 8/2024.
Về vướng mắc tại Dự án Hàm Nghi - Vũng Áng, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn đôn đốc các nhà thầu huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ di dời hệ thống điện; chủ động phối hợp với Truyền tải điện Hà Tĩnh và Công ty Điện lực Hà Tĩnh lập biện pháp thi công, biện pháp an toàn, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phục vụ công tác đóng, cắt điện, chuyển đấu nối.