Dự án thành phần Xây dựng cải tạo, nâng cấp đường Hoa Thám - Quý Hòa - Vĩnh Yên sử dụng vốn vay ADB đang gặp vướng mắc lớn về tiến độ. Ảnh Internet |
Năm 2022, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn ước thực hiện được 2.977,2 tỷ đồng, tăng 5,28% so với năm 2021, đạt 89,12% so với kế hoạch năm. Theo đánh giá của tỉnh Lạng Sơn, tốc độ giải ngân năm 2022 chậm so với năm 2021; đến hết năm, nguồn vốn giải ngân thấp tập trung vào nhóm dự án vốn nước ngoài (ODA). Một số dự án có tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm do trong quá trình triển khai phát sinh khiếu nại về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Trong số các dự án ODA trọng điểm nói trên, Dự án thành phần Xây dựng cải tạo, nâng cấp đường Hoa Thám - Quý Hòa - Vĩnh Yên, huyện Bình Gia (ĐH.61) thuộc Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn, sử dụng vốn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đang gặp vướng mắc lớn về tiến độ. Báo cáo kết quả kiểm tra thực địa hiện trường của UBND Tỉnh cuối tháng 2/2023 cho thấy, công trình không thể hoàn thành vào năm 2022 theo kế hoạch, bởi tiến độ thực hiện các hạng mục xây lắp vẫn còn rất chậm, dù các nhà thầu đã liên tục được UBND Tỉnh, chủ đầu tư nhắc nhở, thúc tiến độ thi công.
Cụ thể, công trình ĐH.61 được chia làm 2 gói thầu xây lắp, trong đó, Gói thầu LS 01 (Đoạn 1 từ Km0 - Km11+008m) do Liên danh Công ty CP Xây dựng công trình 399 - Công ty CP Tập đoàn xây dựng Thăng Long đảm nhận thi công (trúng thầu tháng 5/2020; giá trị hợp đồng 101,72 tỷ đồng; thời gian thực hiện 630 ngày), đến nay mới đạt 83%. Gói thầu LS 02 (Đoạn 2 từ Km11+008 - Km23+232,20) do Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát - Công ty CP Công trình 207 thực hiện (trúng thầu tháng 6/2020; giá trúng thầu 146,635 tỷ đồng; thời gian thực hiện 720 ngày), khối lượng đến nay mới chỉ đạt 66%. Dự báo, gói thầu này khó có khả năng đáp ứng cam kết của nhà thầu về thời gian hoàn thành theo hợp đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị thi công chưa tập trung cao độ nhân lực, máy móc, thiết bị, nguồn lực tài chính… để thực hiện Dự án, dù mặt bằng thi công đã được UBND huyện Bình Gia bàn giao đến 99,8%.
Trước nguy cơ “lỡ hẹn” lần nữa, UBND Tỉnh đã yêu cầu 2 liên danh nhà thầu có văn bản cam kết với chủ đầu tư về trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà thầu xây lắp trong việc thi công chậm tiến độ đã cam kết, đồng thời, yêu cầu nhà thầu hoàn thành toàn bộ khối lượng hợp đồng Gói thầu LS 01 trước ngày 31/5/2023; Gói thầu LS 02 trước ngày 30/6/2023. Trường hợp các nhà thầu tiếp tục vi phạm tiến độ sẽ bị xử lý theo quy định.
Cùng thuộc Dự án Hạ tầng cơ bản phát triển toàn diện các tỉnh Đông Bắc - Tiểu dự án tỉnh Lạng Sơn, Dự án thành phần Nâng cấp tuyến đường Tân Văn - Bình La, huyện Bình Gia (ĐH.60) với tổng chiều dài tuyến trên 10,7 km được Liên danh Công ty CP Xây dựng công trình 399 - Công ty CP Tập đoàn xây dựng Thăng Long khởi công từ tháng 8/2021, thời hạn thi công 24 tháng, giá trị hợp đồng gần 60 tỷ đồng. Đến hết năm 2022, UBND huyện Bình Gia đã hoàn thành 100% công tác GPMB. Về tình hình triển khai xây lắp, tính đến thời điểm hiện tại, các nhà thầu thi công mới đạt 50% giá trị theo hợp đồng, tiến độ được đánh giá là rất chậm, dẫn đến tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Theo đó, UBND Huyện vừa có chỉ đạo yêu cầu các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ, xây dựng kế hoạch chi tiết thi công dự án theo tuần, tăng cường nhân lực, máy móc, trang thiết bị, phối hợp thống nhất tiến độ khẩn trương thi công, hoàn thành tuyến đường xong trong tháng 6/2023.
Tại huyện Chi Lăng, Dự án Đường giao thông Khu công nghiệp Đồng Bành (giai đoạn 2) cũng vừa được UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận gia hạn thời gian hoàn thành đến ngày 31/12/2023 nhằm đảm bảo thời gian thực hiện công tác GPMB và thi công xây dựng khối lượng còn lại. Dự án có tổng mức đầu tư 84,459 tỷ đồng, diện tích đất cần GPMB lên tới 6,285 ha, kế hoạch hoàn thành vào năm 2021. Tuy nhiên, đến hết năm 2021, do vướng mặt bằng, cùng với việc huy động nhân lực của nhà thầu bị hạn chế bởi dịch Covid-19, dẫn đến công trình mới thực hiện đạt 88% khối lượng theo kế hoạch. Hiện tại, UBND huyện Chi Lăng đang tập trung giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đối với hộ gia đình bị ảnh hưởng để tạo sự đồng thuận, đẩy nhanh tiến độ thực hiện GPMB, đảm bảo hoàn thành Dự án trong thời gian đã được gia hạn nêu trên; đồng thời, chỉ đạo hoàn thành dứt điểm các khối lượng đang thi công trong phạm vi không vướng mắc mặt bằng, cam kết hoàn thành trước ngày 30/6/2023.
Để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Lạng Sơn đã và đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp. Theo đó, UBND Tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo cơ chế điều hành và danh mục các dự án trọng điểm hàng năm. Hàng tháng, ban chỉ đạo họp kiểm điểm đánh giá kết quả và điều hành các nội dung về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; thường xuyên rà soát tiến độ các dự án, xác định khả năng thanh toán vốn của dự án để kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án; thành lập Ban chỉ đạo GPMB các dự án trọng điểm của Tỉnh, quyết liệt hơn trong công tác GPMB và đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư...