Lúng túng với hoàn thuế giá trị gia tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cơ quan thuế cho biết luôn chú trọng thanh tra, kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Tuy nhiên, nhiều hồ sơ đề nghị hoàn thuế có dấu hiệu rủi ro nhưng được chuẩn bị hết sức tinh vi đã gây lúng túng cho đơn vị thẩm tra. Bên cạnh đó, các mô hình kinh doanh mới cũng gây khó khăn cho các cán bộ thuế chưa am hiểu về lĩnh vực này.
6 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã ban hành 9.153 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế hoàn là 64.209 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê
6 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã ban hành 9.153 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế hoàn là 64.209 tỷ đồng. Ảnh: Song Lê

Tổng cục Thuế cho biết, 6 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã ban hành 9.153 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 64.209 tỷ đồng, bằng 42% so với kinh phí hoàn thuế GTGT năm 2022 đã được Quốc hội phê duyệt, bằng 94,7% cùng kỳ năm 2021.

Về công tác thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT, 5 tháng đầu năm 2022, 63 Cục Thuế thực hiện được 2.241 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn, tương ứng với tổng số tiền hoàn là: 14.965.582 triệu đồng. Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 45.291 triệu đồng.

Căn cứ hồ sơ hoàn thuế đã ban hành quyết định và các hồ sơ đang tiếp nhận, giải quyết tính đến ngày 17/6/2022, dự kiến hoàn thuế GTGT cả năm 2022 là 165.886 tỷ đồng, bằng 101,9% số hoàn năm 2021.

Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế thuộc Tổng cục Thuế cho biết, có một số trường hợp hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT được doanh nghiệp chuẩn bị hết sức tinh vi, được che đậy bằng hồ sơ, giấy tờ có hình thức hợp pháp, cơ quan thuế cần phải có thời gian dài để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong thanh tra chưa có tiền lệ mới có thể chứng minh được hành vi vi phạm, nếu chỉ căn cứ vào hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp quy trình thanh tra thông thường thì không thể chứng minh được sai phạm.

Bên cạnh đó, nhiều hồ sơ hoàn thuế có dấu hiệu rủi ro cao cần phải tiến hành xác minh nguồn gốc hàng hóa đầu vào và đầu ra, thời gian tiến hành xác minh lâu trong khi thời hạn giải quyết hoàn thuế là 40 ngày dẫn đến doanh nghiệp khiếu nại khiếu kiện.

Nhiều hồ sơ hoàn thuế khi tiến hành xác minh đầu vào hóa đơn chứng từ đều khớp, tuy nhiên khi xác minh đầu ra thì cơ quan thuế nước ngoài trả lời nội dung giao dịch đề nghị xác minh là không tồn tại hoặc có tồn tại nhưng bên nhập khẩu không thừa nhận có quan hệ mua bán với doanh nghiệp hoàn thuế Việt Nam, dẫn đến cơ quan thuế phải tạm thời dừng giải quyết hồ sơ hoàn thuế và chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra xử lý; doanh nghiệp bị tạm dừng hoàn kiến nghị khiếu nại cơ quan thuế.

Ông Mai Sơn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã thực hiện Chương trình Tăng cường rà soát, quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, phát hiện được 134 doanh nghiệp hoàn thuế sử dụng hóa đơn mua vào của các doanh nghiệp đã có thông báo của cơ quan thuế về việc không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh.

Dù vậy, theo ông Sơn, đơn vị này vẫn gặp một số khó khăn trong công tác thanh, kiểm tra hoàn thuế GTGT. Cụ thể, một số ngành nghề kinh doanh mới phát sinh như: kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp… gây khó khăn cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra do chưa am hiểu về lĩnh vực này.

Trong khi đó, một chuyên gia trong lĩnh vực thuế cho biết, việc cơ quan thuế lúng túng trong xử lý các hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp, chậm cập nhật các phương thức kinh doanh mới đã và sẽ tiếp tục gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn cử như vụ việc 42 doanh nghiệp sắn bị dừng hoàn thuế giá trị gia tăng phải “kêu cứu” lên Thủ tướng Chính phủ từ tháng 3/2022 song đến nay vẫn chưa được giải quyết. Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, ngành thuế cần sớm có các giải pháp để việc thanh tra, kiểm tra các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng được thực hiện bài bản để tránh gây khó dễ, ách tắc cho hoạt động của doanh nghiệp.

Chuyên đề