Thứ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Lê Tiên |
Theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, kinh tế chia sẻ tại Việt Nam chủ yếu mang tính tự phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia trong cung cấp dịch vụ. Cơ quan nhà nước còn lúng túng trong xác định bản chất cũng như cách thức quản lý mô hình mang tính chất kinh tế chia sẻ. Hệ thống pháp luật hiện hành về doanh nghiệp, đầu tư, thuế hiện khó hoặc không thể can thiệp và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình đối với sản phẩm của kinh tế chia sẻ,
Thông tin đưa ra tại Hội thảo cho biết, tại Việt Nam, kinh tế chia sẻ tuy xuất hiện muộn hơn, nhưng đã phát triển khá mạnh mẽ. Đặc biệt, dựa trên văn hóa chia sẻ vốn có của người Việt, các sản phẩm của kinh tế chia sẻ như: Uber, Grad … đã được phát triển nhanh chóng. Tận dụng được các lợi ích mà kinh tế chia sẻ mang lại sẽ góp phần thúc đẩy sử dụng các tiến bộ công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Trên thế giới, mô hình kinh tế này phát triển mạnh trong những năm gần đây ở một số nước và mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội do giúp giảm chi phí giao dịch và sử dụng tài sản và tài nguyên hiệu quả hơn. Lợi ích về tiết kiệm tài nguyên của kinh tế chia sẻ còn có hiệu ứng tích cực tới môi trường khi giảm được việc sản xuất và tiêu dùng quá mức trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng đã làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, tiềm ẩn những rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để đảm bảo lợi ích của cả người mua (người tiêu dùng) và người bán (nhà cung cấp dịch vụ) cũng như nảy sinh các vấn đề giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, vấn đề thu thuế phát sinh từ hoạt động dịch vụ, vấn đề đo lường và tích hợp trong tài khoản kinh tế quốc gia... Vì vậy, việc thiết kế các chính sách kinh tế mới, phù hợp hơn với những phát triển của loại hình kinh tế chia sẻ được đặt ra đối với tất cả các nước.
Việt Nam không phải là ngoại lệ trong quá trình phát triển mô hình kinh doanh mới này. Những lợi ích và rủi ro cho nền kinh tế cũng như người tiêu dùng cũng đã xuất hiện. Vì vậy, việc xây dựng các chính sách mới hoặc điều chỉnh các chính sách hiện hành để đạt mục tiêu phát huy những tác động tích cực và giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực là hết sức cần thiết. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ” tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 08/02/2018 của Chính phủ. Đề án này đang được xây dựng để triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên của Chính phủ và cũng để đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước đối với loại hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam.
Trong quá trình này, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tác động của những xu thế lớn của công nghệ số đối với nền kinh tế nói chung và đối với mô hình kinh doanh của kinh tế chia sẻ nói riêng là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc đánh giá xu hướng phát triển của kinh tế chia sẻ ở Việt Nam sẽ giúp cho việc nâng cao nhận thức của xã hội về các hoạt động kinh tế này, giúp Chính phủ những thông tin cần thiết để thiết kế một chiến lược thích ứng tốt và tận dụng được các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.