Lực cản lớn, nhiều dự án thủy lợi có nguy cơ chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi đang gặp khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Một số dự án phải xin gia hạn hoàn thành do thay đổi thiết kế, thiếu vốn, chậm bàn giao mặt bằng.
Nhiều dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi đang gặp khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Nhiều dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi đang gặp khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) tỉnh Gia Lai, Tiểu dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Gia Lai thuộc Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (vay vốn Ngân hàng Thế giới) có khả năng không thể hoàn thành vào cuối năm 2022 như kế hoạch đề ra. Kế hoạch vốn năm 2022 là 70,892 tỷ đồng, từ đầu năm đến nay, khối lượng thực hiện đạt 24,8 tỷ đồng. Lũy kế khối lượng thực hiện đạt 83,416 tỷ đồng. Tình hình giải ngân từ đầu năm 2022 đến nay đạt 30,587 tỷ đồng, dự kiến giải ngân đến 31/12/2022 đạt 34,789 tỷ đồng.

Về tiến độ các gói thầu xây lắp, Gói thầu C1-GL-W1 Thi công các hồ chứa: Ia Ring, Ayun Hạ, Ea Dreh đã hoàn thành nghiệm thu 18,789 tỷ đồng. Gói thầu C1-GL-W2 Thi công 5 hồ: Buôn Lưới, Plei Tô Kôn, Hà Tam, Làng Me, Ia Năng hoàn thành khối lượng nghiệm thu là 34,543 tỷ đồng. Riêng Gói thầu C1-GL-W3 Xử lý mối, sửa chữa cống bị vướng hạng mục hồ Ayun Hạ đang tạm dừng thi công.

“Dự án đã được gia hạn đến 31/12/2022, cơ quan thẩm quyền đã có ý kiến về việc gia hạn thời gian đóng khoản vay Hiệp định tài trợ Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập. Do đó, các hạng mục đề xuất bổ sung, phải điều chỉnh thời gian thực hiện dự kiến khoảng 14 - 18 tháng không thể kịp mốc hoàn thành trước 31/12/2022. Do đó, Ban QLDA ĐTXD tỉnh Gia Lai đề xuất, đối với hạng mục điều chỉnh thiết kế sửa chữa cống Ayun Hạ triển khai sau thiết kế cơ sở và sử dụng dự phòng để điều chỉnh giá gói thầu (trong trường hợp vượt giá gói thầu)”, Giám đốc Ban QLDA ĐTXD tỉnh Gia Lai Phạm Xuân Điệp cho biết.

Tại Khánh Hòa, Dự án Hồ chứa nước sông Chò 1 do Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 7 làm chủ đầu tư cũng phát sinh vấn đề liên quan đến thiết kế đối với hợp phần xây dựng công trình đầu mối. Theo đó, do địa chất yếu, nước ngầm mạnh, công tác gia cố gặp nhiều khó khăn. Nhà thầu đang xử lý theo biện pháp của thiết kế được chuyên gia bàn bạc, thống nhất nên tiến độ rất chậm.

Trong khi đó, Ban QLDA ĐTXD các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cho biết, Tiểu dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) tỉnh Hòa Bình với tổng mức đầu tư 417,48 tỷ đồng đang trong giai đoạn căng mình thi công nhiều gói thầu quan trọng. Tại Tiểu dự án 03 (có 20 công trình hồ chứa, gồm 2 giai đoạn), 16 công trình đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, khối lượng đạt khoảng 35%. Hàng loạt gói thầu đang tổ chức lựa chọn nhà thầu trong tháng 8/2022.

Báo cáo của Chủ đầu tư cho thấy, lũy kế vốn được cấp đến nay là 292,234 tỷ đồng; lũy kế giá trị giải ngân là 192,391 tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Vượng, Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXD các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình, Chủ đầu tư đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện và bàn giao đưa vào sử dụng trước 31/12/2022. Tuy nhiên, năm 2022, Tiểu dự án chưa được cấp vốn đối ứng để chi trả cho các phần công việc như: giải phóng mặt bằng (GPMB) , rà phá bom mìn… Do đó, đề nghị các cấp thẩm quyền bố trí nguồn vốn đối ứng cho Tiểu dự án để hoàn thành đúng tiến độ.

Tại Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán (có hiệu lực từ quý III/2019; kết thúc vào 31/12/2025), theo Ban Quản lý trung ương các dự án thủy lợi, các gói thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật chi tiết bị chậm dẫn tới nhiều gói thầu xây lắp thuộc 8 tiểu dự án cũng chậm công bố mời thầu.

Theo diễn giải của Chủ đầu tư này, quá trình hoàn thiện các gói thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật chi tiết chậm do năng lực của nhà thầu tư vấn hạn chế, sự phối hợp giữa các thành viên trong liên danh nhà thầu tư vấn chưa thống nhất dẫn đến quá trình xin ý kiến chuyên gia mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, chế độ, chính sách về GPMB có nhiều thay đổi làm tăng chi phí đền bù GPMB so với tổng mức đầu tư đã duyệt, dẫn đến chậm trễ trong việc phê duyệt bản vẽ thi công, dự toán và trình, phê duyệt hồ sơ mời thầu xây lắp.

Tại dự án này, một số tỉnh phân bổ vốn đối ứng năm 2022 thấp, không đáp ứng yêu cầu (Ninh Thuận, Bình Thuận và Đắk Lắk), riêng tỉnh Đắk Nông chưa phân bổ vốn đối ứng năm 2022 dẫn đến đình trệ công tác đền bù GPMB và các hoạt động liên quan đến vốn đối ứng.

Chuyên đề