Luật PPP phải đảm bảo tính khả thi trong thực hiện

(BĐT) - Tại Đối thoại cấp cao lần thứ hai về hợp tác phát triển PPP tại Việt Nam, các đối tác phát triển đã chia sẻ nhiều khuyến nghị để xây dựng Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) không chỉ là một luật tốt trên giấy, mà sẽ được thực thi hiệu quả, thành công. 
Có ý kiến đề xuất rằng, đối với dự án PPP, Luật PPP sẽ phải được ưu tiên áp dụng, đặt trước luật chuyên ngành. Ảnh: Lê Tiên
Có ý kiến đề xuất rằng, đối với dự án PPP, Luật PPP sẽ phải được ưu tiên áp dụng, đặt trước luật chuyên ngành. Ảnh: Lê Tiên

Muốn khả thi, Luật PPP phải gỡ được nhiều nút thắt, nhiều điểm nghẽn mà sự tháo gỡ ấy cần quyết tâm chính trị, vì những mục tiêu mà Chính phủ kỳ vọng từ PPP.

Cần “cách tiếp cận toàn Chính phủ”

Các dự án PPP đã được thực hiện tại Việt Nam từ cách đây 20 năm, đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, với 69 tỷ USD thu hút được từ khu vực tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng, dịch vụ công. Chất lượng hạ tầng, dịch vụ công được cải thiện rõ rệt, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.  Tuy nhiên, việc triển khai PPP tại Việt Nam gặp không ít khó khăn từ khung pháp lý chưa hoàn thiện, dự án PPP chịu sự điều chỉnh của nhiều luật, trong khi quy định về PPP mới ở mức nghị định. Đây cũng là thách thức với hình thức đầu tư PPP, là lo ngại lớn nhất đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Vì thế, việc Chính phủ xây dựng Luật PPP, dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào cuối năm nay, được cộng đồng nhà tài trợ, nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Tại Đối thoại cấp cao lần thứ nhất về hợp tác phát triển PPP tại Việt Nam diễn ra cách đây hơn một năm, các đối tác phát triển đánh giá, việc xây dựng Luật PPP là một “sáng kiến tuyệt vời”, sẽ mở ra những cơ hội rõ ràng hơn trong thu hút đầu tư tư nhân, đặc biệt là từ nhà đầu tư quốc tế, vào phát triển kết cấu hạ tầng tại Việt Nam theo hình thức PPP một cách đúng nghĩa, bài bản và hài hòa lợi ích.

Tại Đối thoại cấp cao lần thứ hai tổ chức cuối tuần qua, khi mà Dự thảo Luật PPP đã được công bố lấy ý kiến, các đối tác phát triển một lần nữa khẳng định kỳ vọng vào Luật này, mong muốn Luật PPP tổng hợp được những nội dung cần thiết phải có để trở thành một luật tốt, thực thi một cách thành công. Qua đó giúp nắm bắt được các cơ hội, thực hiện được những dự án đầu tư hiệu quả, giúp nền kinh tế Việt Nam duy trì đà tăng trưởng cao. 

Ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, yếu tố quan trọng hàng đầu để có một luật khả thi trong thực hiện là phải có sự rõ ràng, nhất quán giữa Luật về PPP với các luật liên quan, xử lý được các vấn đề mâu thuẫn, khác biệt giữa các luật. Đại diện WB đưa ra ví dụ: Luật Xây dựng, Luật Đất đai cũng đang được cân nhắc sửa đổi, vì thế ngay từ thời điểm này phải đạt được sự thống nhất với các luật sắp sửa đổi. Đại diện nhiều nhà tài trợ khác cũng nhấn mạnh, đối với dự án PPP, Luật PPP sẽ phải được ưu tiên áp dụng hơn so với các luật khác, đặt trước luật chuyên ngành.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) là cơ quan chủ trì soạn thảo, tuy nhiên, các bộ, ngành khác sẽ thực thi các quy định liên quan. Vì thế, khi xây dựng Luật, “cách tiếp cận toàn Chính phủ là yêu cầu hàng đầu”. 

Cam kết của Chính phủ là tâm điểm với nhà đầu tư nước ngoài

Một yếu tố quan trọng khác để Luật PPP khả thi, theo ông Ousmane Dione, là có sự cam kết của Chính phủ, bởi đây là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Đại diện Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho rằng, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ là một trong những điều kiện thiết yếu để nhà đầu tư quyết định đầu tư vào các dự án PPP trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng tại Việt Nam. Vấn đề này nên được quy định trong Luật, nếu lần nào cũng phải xin ý kiến của lãnh đạo cấp cao thì rất khó cho nhà đầu tư. Tương tự, nhiều đối tác phát triển cũng cho rằng, cần có bảo lãnh doanh thu tối thiểu, nhưng ngưỡng và thời hạn phụ thuộc vào từng dự án, không quy định cứng trong Luật mà có thể ở nghị định.

Các đối tác phát triển chia sẻ, một số quốc gia có các quỹ bảo lãnh dùng cho dự án PPP như Hàn Quốc có Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ hạ tầng, bảo lãnh doanh thu tối thiểu được áp dụng trong giai đoạn đầu thực hiện PPP, sau đó đã bị bãi bỏ và thay thế bằng mô hình chia sẻ rủi ro doanh thu. Indonesia có Quỹ bảo lãnh hạ tầng (IIGF) nhằm đảm bảo các nghĩa vụ tài chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm cả nghĩa vụ tài chính phát sinh từ vi phạm hợp đồng, sự chậm trễ trong việc xin giấy phép và cấp phép; thay đổi pháp luật.              

Tuy nhiên, đại diện Trung tâm Hạ tầng toàn cầu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lưu ý đến quy trình đánh giá khả năng bền vững nợ, bền vững tài khóa, nghĩa vụ nợ tiềm tàng để dự án PPP không gây áp lực lên tài khóa.

Thông tin với các nhà tài trợ, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT cho biết, tại Dự thảo Luật PPP, Ban soạn thảo đang lấy ý kiến về vấn đề bảo lãnh của Chính phủ theo hướng dự án được áp dụng bảo lãnh là dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bảo lãnh. Loại bảo lãnh gồm: bảo lãnh đáp ứng nhu cầu ngoại tệ; bảo đảm doanh thu tối thiểu thông qua điều chỉnh thời hạn hợp đồng, giá, phí hàng hóa, dịch vụ hoặc mức thanh toán cho nhà đầu tư; bảo đảm cam kết thực hiện nghĩa vụ của phía Nhà nước bằng việc sử dụng dịch vụ bảo lãnh của bên thứ ba.

Thực tế, qua các hội thảo tham vấn đã tổ chức, có thể thấy vấn đề bảo lãnh của Chính phủ đang được Ban soạn thảo Luật PPP cân nhắc rất thận trọng, lấy ý kiến nhiều bên, tham khảo kinh nghiệm thành công, thất bại của quốc tế; xem xét kỹ các công cụ kiểm soát rủi ro tài khóa liên quan đến cấp bảo lãnh…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư