Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản: Chấm điểm cách nào để hạn chế giả ảo năng lực?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc thống kê các cuộc đấu giá trước cùng mức chênh lệch bán vượt giá khởi điểm tại các cuộc đấu giá thành là một trong các tiêu chí quan trọng để xác định năng lực, kinh nghiệm của tổ chức đấu giá tài sản (TCĐGTS). Nhiều ý kiến cho rằng, khi xây dựng tiêu chí này làm cơ sở để lựa chọn TCĐGTS, cần quy định theo hướng đảm bảo minh bạch, công bằng và trách nhiệm giải trình, tránh việc TCĐGTS lợi dụng, tạo ra các cuộc đấu giá ảo để làm đẹp hồ sơ năng lực.
Có ý kiến cho rằng việc tính điểm “mức chênh lệch trung bình giữa giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm” sẽ không đánh giá được năng lực thực sự của các tổ chức đấu giá tài sản. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Có ý kiến cho rằng việc tính điểm “mức chênh lệch trung bình giữa giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm” sẽ không đánh giá được năng lực thực sự của các tổ chức đấu giá tài sản. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Thông tư quy định về chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá, cơ sở đào tạo nghề đấu giá; tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá; chương trình, nội dung và tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của đấu giá viên; hướng dẫn lựa chọn tổ chức hành nghề ĐGTS; biểu mẫu trong lĩnh vực ĐGTS. Dự thảo Thông tư có Bảng tiêu chí đánh giá, chấm điểm tổ chức hành nghề ĐGTS làm cơ sở để lựa chọn TCĐGTS. Trong đó, số liệu thống kê về số lượng cuộc đấu giá đã tổ chức trong năm trước liền kề (thành và không thành); số lượng cuộc đấu giá thành có mức chênh lệch trung bình giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá trong năm trước liền kề… là các trọng số để đánh giá năng lực, kinh nghiệm của TCĐGTS.

Theo Dự thảo Thông tư, số liệu thống kê về số lượng cuộc đấu giá đã tổ chức trong năm trước liền kề (thành và không thành) có mức điểm tối đa là 15/100 điểm. Cụ thể, dưới 10 cuộc đấu giá đạt 9/100 điểm; từ 10 - dưới 20 cuộc đấu giá đạt 11/100 điểm; từ 20 - dưới 30 cuộc đấu giá đạt 13/100 điểm; từ 30 cuộc đấu giá trở lên đạt 15/100 điểm. Mức chênh lệch trung bình giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá tại các cuộc đấu giá thành trong năm trước liền kề dự kiến có mức điểm tối đa là 18/100 điểm. Trong đó, dưới 10% đạt 12/100 điểm; từ 10% - dưới 20% đạt 14/100 điểm; từ 20% - dưới 30% đạt 16/100 điểm; từ 30% trở lên đạt 18/100 điểm.

Liên quan tới tiêu chí này, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam nêu quan điểm, nếu tính điểm “mức chênh lệch trung bình giữa giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm” theo tiêu chí 2 Phần III Năng lực, kinh nghiệm và uy tín của TCĐGTS tại Thông tư số 02/2022/TT-BTP thì sẽ không đánh giá được năng lực của các TCĐGTS, dễ nảy sinh tiêu cực, làm gian dối số liệu.

Bà Lan phân tích, nếu áp dụng cách tính điểm này có thể phát sinh tiêu cực khi TCĐGTS tìm cách nâng tỷ lệ bán vượt giá khởi điểm bằng cách tạo ra các cuộc đấu giá ảo. Hiện có không ít TCĐGTS có tới vài trăm cuộc đấu giá có kết quả bán bằng (hoặc vượt chút ít) so với giá khởi điểm; nhưng chỉ cần có vài cuộc đấu giá có kết quả trúng đấu giá cao bất thường dẫn đến tỷ lệ % bình quân vượt trội sẽ được cho điểm cao hơn các TCĐGTS thường xuyên tổ chức các cuộc đấu giá với tỷ lệ bán vượt trên 20% giá khởi điểm. Điều này dẫn tới sự không công bằng, không đánh giá được đúng năng lực thật sự của TCĐGTS.

Dựa trên phân tích này, bà Lan đề xuất, tiêu chí này nên xây dựng theo hướng tính số cuộc đấu giá bán vượt chiếm tỷ lệ 15% trở lên (trên tổng số cuộc) thì đạt điểm tối đa của tiêu chí này, vì việc tạo ra/dàn dựng một vài cuộc đấu giá ảo có thể thực hiện được nhưng để đáp ứng tỷ lệ 15% là khó. Việc đánh giá năng lực của các TCĐGTS làm tốt phải dựa trên số lượng cuộc đấu giá bán vượt mới chính xác và công bằng.

Để hạn chế việc làm đẹp hồ sơ bằng các cuộc đấu giá ảo, theo Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đối với các cuộc đấu giá thành có giá trúng đấu giá vượt giá khởi điểm trên 100%, ngoài bảng thống kê số lượng cuộc đấu giá, quy định pháp luật cần yêu cầu TCĐGTS cung cấp hóa đơn thu thù lao dịch vụ ĐGTS, tránh trường hợp bất thường có những tài sản giá trị chỉ dưới 100 triệu đồng nhưng được bán vượt lên đến hàng trăm, hàng chục tỷ đồng trong thời gian qua.

Bày tỏ quan điểm về nội dung này, Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, tiêu chí chấm điểm theo khung số lượng cuộc đấu giá chưa so sánh rõ ràng được các TCĐGTS đạt điểm của cùng một khung số lượng, chưa đảm bảo công bằng giữa các TCĐGTS. Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh đề xuất, cơ quan soạn thảo xây dựng tiêu chí này theo hướng không chấm điểm theo khung mà tính điểm cho từng hợp đồng. Đơn cử, dưới 10 cuộc đấu giá sẽ tính mức 9/100 điểm; từ cuộc thứ 10 trở đi, mỗi cuộc được cộng thêm 0,3 điểm và cộng tối đa 6 điểm cho tiêu chí này.

Tương tự, Công ty Đấu giá hợp danh Hồng Tâm đề xuất không quy định khung như Dự thảo Thông tư, mà lấy số lượng cuộc đấu giá nhiều nhất của các TCĐGTS nộp hồ sơ để cho số điểm cao nhất (15 điểm), TCĐGTS có số cuộc đấu giá thấp hơn sẽ có điểm thấp hơn theo tỷ lệ và thấp nhất là mức 12 điểm.

Cũng theo đề xuất của Công ty Đấu giá hợp danh Hồng Tâm, TCĐGTS có tỷ lệ cuộc đấu giá có giá trúng đấu giá vượt giá khởi điểm cao nhất trong số các TCĐGTS nộp hồ sơ tham gia lựa chọn sẽ đạt điểm tối đa, các TCĐGTS còn lại sẽ đạt số điểm tương ứng thấp hơn. Cách tính này sẽ hạn chế tiêu cực do TCĐGTS lợi dụng tạo/dàn dựng các cuộc đấu giá ảo để nâng điểm năng lực trong hồ sơ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư