Lựa chọn tổ chức đấu giá 2 mỏ quặng sắt quy mô lớn

(BĐT) - Lần đầu tiên, một cuộc đấu giá quyền khai thác mỏ khoáng sản sẽ được tổ chức thông qua công ty bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp, theo đúng quy định của Luật Đấu giá tài sản.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh Internet

Đấu giá quyền khai thác 2 mỏ quặng sắt diện tích hơn 125 ha

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam vừa thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản (ĐGTS) để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản là 2 mỏ quặng sắt tại Bắc Kạn. 2 mỏ quặng sắt này có vị trí tại khu vực Nam Phia Đăm, xã Bằng Thành và xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm (diện tích 66,8 ha) và khu vực Bản Phắng 2, xã Trung Hoà, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn (diện tích 58,6ha). Đây là những khu vực nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng diện tích khai thác các mỏ khoáng sản nêu trên là hơn 125ha.

Một trong các mục tiêu của việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản nêu trên được cơ quan chủ quản cho biết là nhằm quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, tăng hiệu quả kinh tế, giảm thiểu các tác động đến môi trường. Đồng thời, phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Theo kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt I năm 2017 được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phê duyệt, Hội đồng Đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thành lập, có trách nhiệm ban hành quy chế đấu giá và nội quy phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản 2 mỏ quặng sắt nêu trên. Ngoài ra, Hội đồng Đấu giá sẽ quyết định số tiền đặt trước, bước giá cho phiên đấu giá và tổ chức phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định.

Thông tin từ Cục Kinh tế địa chất và khoáng sản cho biết, dự kiến cuối năm 2017 mới hoàn tất các thủ tục để thực hiện phiên đấu giá 2 mỏ quặng sắt này. Theo kế hoạch được Bộ TN&MT phê duyệt, nếu trong năm 2017 chưa thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản hết các khu vực mỏ đã phê duyệt trong kế hoạch, thì các mỏ còn lại sẽ được chuyển sang đấu giá trong các năm tiếp theo. 

Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp

Căn cứ Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật Khoáng sản năm 2010 và một số văn bản liên quan, Bộ TN&MT chỉ đạo phải lựa chọn tổ chức ĐGTS để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản là 2 mỏ quặng sắt nêu trên.

Theo yêu cầu, tổ chức ĐGTS phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá. Ngoài ra, tổ chức ĐGTS phải có năng lực, kinh nghiệm và uy tín; có phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí ĐGTS phù hợp.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 56, Luật ĐGTS, tổ chức ĐGTS phải có tên trong danh sách các tổ chức ĐGTS do Bộ Tư pháp công bố và có các tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Tư pháp vẫn đang trong quá trình xây dựng danh sách các tổ chức ĐGTS. Vậy việc lựa chọn tổ chức đấu giá theo Luật sẽ được thực hiện như thế nào?

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một cán bộ Cục Bổ trợ Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp thông tin, khi chưa có danh sách các tổ chức ĐGTS được Bộ Tư pháp công bố thì tất cả các doanh nghiệp được phép hoạt động về bán ĐGTS theo quy định của pháp luật đều đáp ứng tiêu chí để lựa chọn doanh nghiệp bán ĐGTS. Những doanh nghiệp này đã đăng ký hoạt động tại Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương, có đăng ký hoạt động bán ĐGTS tại Sở Tư pháp thì sẽ được các sở này thông báo danh sách doanh nghiệp bán ĐGTS trên cổng thông tin của họ. 

Theo ông Đào Chí Biền, Trưởng phòng Phòng Kinh tế khoáng sản thuộc Cục Kinh tế địa chất và Khoáng sản thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đây là lần đầu tiên thực hiện việc lựa chọn một tổ chức bán ĐGTS để tư vấn cho Hội đồng Đấu giá quyền khai thác khoáng sản các trình tự, thủ tục trong đấu giá. Tổ chức này cũng sẽ chịu trách nhiệm tổ chức phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định về ĐGTS nói chung và đấu giá quyền khai thác khoáng sản nói riêng.

Ông Biền cho biết thêm, việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản không giống như việc đấu giá quyền sử dụng đất. Bởi, khi tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nhưng trong vòng 6 tháng (vì một lý do nào đó) không nộp hồ sơ xin khai thác khoáng sản thì tổ chức, cá nhân trúng đấu giá sẽ bị mất quyền trúng đấu giá và không được quyền khai thác khoáng sản đó nữa.

Chuyên đề