Lựa chọn quỹ đất để đấu thầu dự án: Tiêu chí nào bảo đảm khả thi?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo nhiều địa phương, đấu thầu dự án sử dụng đất (DASDĐ) là phương thức dễ thực thi, công khai, minh bạch khi thực hiện giao đất, cho thuê đất, huy động nguồn lực của nhà đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng. Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số ý kiến cho rằng, quy định pháp luật về đất đai nên đẩy mạnh cơ chế đấu thầu DASDĐ thông qua việc đưa ra các tiêu chí lựa chọn quỹ đất mang tính khả thi cao, kế thừa các quy định tốt hiện hành.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra tiêu chí, khu đất được lựa chọn để đấu thầu dự án sử dụng đất phải bảo đảm điều kiện đã có quy hoạch chi tiết 1/500. Ảnh: Tiên Giang
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra tiêu chí, khu đất được lựa chọn để đấu thầu dự án sử dụng đất phải bảo đảm điều kiện đã có quy hoạch chi tiết 1/500. Ảnh: Tiên Giang

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành việc lấy ý kiến đại diện doanh nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đang trong quá trình hoàn thiện để đảm bảo tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vào tháng 10 tới.

Một trong những nội dung của Dự thảo nhận được nhiều sự quan tâm và cho ý kiến của các địa phương, chuyên gia trong quá trình lấy ý kiến là tiêu chí, điều kiện đấu thầu DASDĐ (Khoản 2 Điều 64 Dự thảo Luật).

Trong bối cảnh nguồn lực bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) của Nhà nước có hạn, việc huy động nguồn lực của nhà đầu tư để triển khai bồi thường, GPMB theo phương án được cơ quan nhà nước phê duyệt thông qua đấu thầu DASDĐ là cơ chế hiệu quả, thiết thực, giúp phát huy nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số tiêu chí, điều kiện về đấu thầu DASDĐ được đề xuất xem xét và cân nhắc kỹ lưỡng, tránh hạn chế khi lựa chọn quỹ đất để đấu thầu.

Theo ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Dự thảo đưa ra tiêu chí, điều kiện để đấu thầu DASDĐ: “dự án có quy mô diện tích từ 100 ha trở lên” là rất khó cho địa phương. Quy định cứng như vậy thì dự án có quy mô dưới 100 ha sẽ phải thực hiện đấu giá, ngân sách nhà nước sẽ phải bỏ tiền để thu hồi, GPMB trong khi điều kiện ngân sách nhiều địa phương không đáp ứng được. Ông Hải đề xuất, cần xem xét lại quy định này, cân nhắc tới vấn đề phù hợp với điều kiện vùng miền, địa phương (miền núi), nơi ngân sách còn nhiều khó khăn. Quy định về quy mô diện tích đất từ 20 ha là phù hợp.

Đối với tiêu chí “dự án có yêu cầu về động lực lan tỏa về phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu về điểm nhấn kiến trúc, phát triển đô thị”, theo ông Hải, tiêu chí này định tính, chung chung và khi áp dụng trong thực tế sẽ không đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương. Do đó, phải lượng hóa cụ thể hơn để các địa phương thực hiện được.

Nhằm tạo thuận lợi cho việc đấu thầu DASDĐ, ông Nguyễn Đắc Lực, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La cho rằng, cần giảm quy mô diện tích dự án để bảo đảm khả thi. Ngoài ra, tiêu chí “dự án đáp ứng hiệu quả tổng hợp về sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường” trong Dự thảo rất khó để đánh giá, xác định, cần lượng hóa cụ thể tiêu chí này.

Theo một chuyên gia đấu thầu, Dự thảo Luật đưa ra 2 tiêu chí, điều kiện để đấu thầu DASDĐ gồm: “dự án đáp ứng hiệu quả tổng hợp về sử dụng đất, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường” và “nhà đầu tư có năng lực về tài chính, có kinh nghiệm triển khai dự án và cam kết về tiến độ hoàn thành dự án với thời gian ngắn nhất” là không phù hợp. Các tiêu chí này đưa ra trong giai đoạn đấu thầu (yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm) để lựa chọn nhà thầu thì phù hợp hơn.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, tại điểm c Khoản 1 Điều 64 Dự thảo đưa ra tiêu chí, khu đất được lựa chọn để đấu thầu DASDĐ phải bảo đảm điều kiện “đã có quy hoạch chi tiết 1/500” là không phù hợp. Trên thực tế, Nhà nước không đủ kinh phí để lập quy hoạch chi tiết 1/500, mà theo quy định tại Khoản 7 Điều 19 Luật Quy hoạch đô thị và Khoản 3 Điều 24 Luật Xây dựng, việc này thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư dự án (tức nhà đầu tư). Nếu dự án chưa đấu thầu, chưa lựa chọn được nhà đầu tư thì chưa xác định được chủ thể, nguồn kinh phí để lập quy hoạch chi tiết 1/500. Do đó, chuyên gia này đề xuất sửa đổi thành “đã có quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 hoặc phân khu đô thị”. Bởi Nghị định số 25/2020/NĐ-CP chỉ yêu cầu có quy hoạch phân khu xây dựng hoặc quy hoạch phân khu đô thị là đủ điều kiện đấu thầu DASDĐ.

Tại Hội thảo lấy ý kiến 25 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc đối với Dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục diễn ra sâu rộng hơn nữa. Việc sửa đổi Luật trên tinh thần, cái gì thực tiễn chứng minh là đúng thì cần xem xét mọi góc độ để sau khi sửa Luật sẽ không còn vướng mắc; những vấn đề thực tiễn đang đặt ra, lịch sử để lại thì phải đưa ra cơ sở pháp lý để giải quyết.

Chuyên đề