Tiểu dự án 1 Xây dựng HTKT và các công trình cấp thiết cho Đại học Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc, vay vốn WB đang lựa chọn nhà thầu thực hiện 4 gói thầu tư vấn. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Tiểu dự án 1 có tổng mức đầu tư quy đổi 2.767,46 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án ODA, Đại học Đà Nẵng giữ vai trò chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu. Trong đó, 4 gói thầu tư vấn bao gồm: Gói thầu Tư vấn lập HSMT, đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) cho các gói thầu thi công xây dựng (949 triệu đồng); Gói thầu Tư vấn thẩm định HSMT và kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT) cho các gói thầu thi công xây dựng (558 triệu đồng); Gói thầu Tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT cho các gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị (1,579 triệu đồng); Gói thầu Tư vấn thẩm định HSMT và KQLCNT cho các gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị (701 triệu đồng).
Có ý kiến về quy định tại tiêu chuẩn đánh giá về năng lực và kinh nghiệm cao, cụ thể: “số năm kinh nghiệm hoạt động của tổ chức (tính từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh) từ 10 năm trở lên: đạt 3 điểm; dưới 10 năm: đạt 0 điểm”. Đồng thời, yêu cầu thành viên tổ chuyên gia, tổ thẩm định có tiêu chuẩn cao như: có tối thiểu 10 năm kinh nghiệm, đã tham gia thực hiện hợp đồng tương tự cho các đơn vị, ban quản lý dự án có sử dụng nguồn vốn WB với vai trò là tư vấn đấu thầu/trợ lý đấu thầu hoặc các công việc khác có liên quan tới công tác đấu thầu; có chứng nhận đào tạo về đấu thầu do các nhà tài trợ nước ngoài tổ chức... Riêng vị trí tổ trưởng tổ chuyên gia, yêu cầu có thêm một trong các chứng chỉ hành nghề định giá xây dựng hạng II trở lên/chứng chỉ hành nghề giám sát thi công xây dựng công trình dân dụng hạng II trở lên/chứng chỉ hành nghề quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng hạng II trở lên...
Phản hồi các ý kiến nêu trên, Bên mời thầu cho biết, cơ sở pháp lý xây dựng HSMT các gói thầu trên căn cứ vào Quy chế đấu thầu mua sắm dành cho Bên vay vốn tài trợ dự án đầu tư của WB; điều khoản tham chiếu cho gói thầu; các quy định của pháp luật Việt Nam về đấu thầu và các quy định của pháp luật liên quan; đặc điểm, tính chất của dự án; quy mô, tính chất các công việc mà nhà thầu phải thực hiện để đảm bảo lựa chọn được nhà thầu đáp ứng đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu. Việc xây dựng các tiêu chí đánh giá trong HSMT phù hợp với tính chất gói thầu và dự án, không trái với quy định pháp luật. “HSMT đã được phê duyệt, phát hành rộng rãi, tuân thủ các quy định hiện hành, đảm bảo khoa học, logic, rõ ràng để các nhà thầu chuẩn bị HSDT”, Chủ đầu tư nhấn mạnh.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia đấu thầu cho biết, theo quy định khoản 5 Điều 3 Luật Đấu thầu, việc lựa chọn nhà thầu thuộc dự án có sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi phát sinh từ điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam với nhà tài trợ được áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế đó. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về lựa chọn nhà thầu khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó. “Đối với dự án sử dụng vốn vay ODA, nhà tài trợ và Bên vay có cùng mục tiêu đầu tư, nhưng quy trình, biện pháp thực hiện do nhà tài trợ quy định. Trong trường hợp này, HSMT được trình WB thẩm định và WB đã có ý kiến không phản đối trước khi phát hành là bảo đảm cơ sở pháp lý để lựa chọn nhà thầu”, chuyên gia bình luận.
Tính đến thời điểm hiện tại, 2 gói thầu đã bước vào giai đoạn đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính là Gói thầu Tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT cho các gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị; Gói thầu Tư vấn thẩm định HSMT và KQLCNT cho các gói thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị.
2 gói thầu còn lại đang được đánh giá về kỹ thuật là Gói thầu Tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT thi công xây dựng; Gói thầu Tư vấn thẩm định HSMT và KQLCNT cho các gói thầu thi công xây dựng.