Kết quả kinh doanh sa sút
Hapro là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 2004. Với lợi thế hoạt động lâu đời và sở hữu hệ thống cửa hàng tại các khu phố trung tâm Hà Nội như: Tràng Thi, Ngô Thì Nhậm, Lê Thái Tổ..., Hapro đã từng được xem là lá cờ đầu của ngành thương mại Hà Nội. Tuy nhiên, cho đến nay, thương hiệu Hapro gần như biến mất trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Sự cạnh tranh gay gắt đến từ các thương hiệu Big C, Vinmart, Aeon, Lotte, Sasco đã khiến cho kết quả kinh doanh của Hapro ngày càng sụt giảm.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh giai đoạn 2013 - 2016, doanh thu và lợi nhuận của Hapro liên tục sụt giảm. Đặc biệt là năm 2015, lợi nhuận trước thuế của Hapro chỉ đạt 41 tỷ đồng, bằng 11% so với con số 371 tỷ đồng đạt được trong năm 2014. Năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Hapro cũng chỉ đạt gần 70 tỷ đồng, kém xa so với lợi nhuận trước thuế năm 2013 và 2014.
(Đơn vị tính: tỷ đồng)
Lợi thế đất vàng
Mặc dù kinh doanh không hiệu quả nhưng Hapro lại có lợi thế sở hữu nhiều khu đất có vị trí đắc địa tại thủ đô Hà Nội. Điển hình như Công ty CP Thương mại dịch vụ Tràng Thi (Hapro sở hữu 53,33% vốn điều lệ) đang quản lý và sử dụng tới 42 khu đất với tổng diện tích 24.561 m2 trên địa bàn TP. Hà Nội, chủ yếu là thuê của Nhà nước.
Đáng chú ý là khu đất 2.098 m2 tại số 12 - 14 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hay khu đất địa chỉ 10B Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội với diện tích 1.800 m2 đang được Công ty bắt tay với Công ty Nguyễn Kim để xây dựng thành Trung tâm Thương mại dịch vụ Tràng Thi. Ngoài ra, Công ty còn quản lý và sử dụng một số khu đất khác như khu đất phía Đông và phía Tây tại địa chỉ số 47 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội với diện tích 1.163 m2 và 1.033 m2.
Công ty CP Thương mại dịch vụ Tràng Thi còn đang dự kiến đầu tư Trung tâm Giới thiệu hàng hóa tại số 2 - 4 Điện Biên Phủ, Hà Nội (7 tầng, 1.400 m2 sàn, tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng) và Khu Thương mại và văn phòng tại khu 1B, thị trấn Đông Anh (diện tích đất 1.773 m2, công trình 7-9 tầng; tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng); Siêu thị Tràng Thi - Ngọc Hồi (diện tích đất 700 m2, 2.500 m2 sàn, tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng…
Một công ty khác mà Hapro đang nắm cổ phần chi phối (51,5%) là Công ty CP Thực phẩm Hà Nội cũng đang quản lý sử dụng tới 38 khu đất tại những địa điểm đắc địa của phố cổ Hà Nội, bao gồm 11 địa điểm trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích; 8 địa điểm khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống; ngoài ra còn có các địa điểm văn phòng cho thuê, và nhiều khu đất được Nhà nước giao…
Công ty CP Thực phẩm Hà Nội đang thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng Khu nhà ở tại số 54 ngõ 459 Bạch Mai, tổng diện tích mặt bằng 2.086 m2, tổng diện tích xây dựng gần 7.400 m2. Công ty đang xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dự kiến tìm đối tác làm chủ đầu tư thực hiện Dự án. Ngoài ra, Công ty còn có Dự án Trung tâm Thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng tại 249 - 253 phố Vọng, phường Đồng Tâm với tổng diện tích mặt bằng 3.255 m2; Dự án số 26 Cao Thắng, Đồng Xuân diện tích hơn 300 m2, tổng diện tích sàn xây dựng gần 1.000 m2 dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2017 - 2018.
Hapro cũng đang nắm giữ 51,25% cổ phần của Công ty CP Thủy Tạ, 30,93% vốn của Công ty CP Thương mại đầu tư Long Biên, và 30,56% cổ phần của Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại Hà Nội. Đây đều là những doanh nghiệp đang sở hữu, quản lý rất nhiều khu đất có vị trí đắc địa.
Thực hiện các cam kết hội nhập, Chính phủ đã cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài. Cùng với các chính sách ưu đãi thì tốc độ đô thị hóa và quy mô dân số tương đối trẻ là những lý do khiến thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại, điển hình như Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)... đã và đang đầu tư khai thác tại Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Do đó, rất có thể Hapro đang trong tầm ngắm của các doanh nghiệp này.