Gánh nặng tài chính gây áp lực lớn lên hoạt động của Công ty Thủy sản số 4. Ảnh: Tường Lâm |
Do đó, cổ phiếu của Công ty vẫn chưa thoát khỏi diện bị cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm. Việc lạm dụng vay nợ cũng đang ăn mòn lợi nhuận và gây áp lực thanh toán các khoản nợ tới hạn của Công ty.
Sau kiểm toán lợi nhuận ròng giảm 40%
Báo cáo tài chính soát xét giữa niên độ 2017 sau kiểm toán của Thủy sản số 4 cho thấy, 6 tháng đầu năm Công ty chỉ lãi 3 tỷ đồng so với con số lãi hơn 5 tỷ đồng trong báo cáo tài chính mà Công ty tự lập. Với việc lợi nhuận sau soát xét giảm gần 2 tỷ đồng thì lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đang từ dương gần 1,8 tỷ đồng chuyển sang âm.
Theo giải trình từ Thủy sản số 4, nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận trước thuế 6 tháng 2017 sau soát xét giảm gần 2 tỷ đồng so với con số lợi nhuận sau thuế trước soát xét là do Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ tin học TP.HCM (AISC), đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính bán niên 2017, ghi nhận thêm chi phí thanh lý là 3,8 tỷ đồng; ghi nhận doanh thu xuất khẩu của văn phòng Công ty thêm 1,3 tỷ đồng; đánh giá thêm lãi chênh lệch tỷ giá cuối kỳ là 1,2 tỷ đồng và ghi nhận thêm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp là 0,5 tỷ đồng. Như vậy với việc điều chỉnh như trên lợi nhuận 6 tháng đầu năm của Công ty giảm 7% so với cùng kỳ 2016 (giảm từ 3,7 tỷ xuống 3 tỷ đồng).
Lý giải về việc lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ, Công ty cho biết là do giảm doanh thu bán hàng vào thị trường châu Âu và sử dụng vay nợ nhiều.
Nặng nợ vay
Tại thời điểm 30/6/2017, tổng nợ phải trả của Thủy sản 4 gấp 3,8 lần so với vốn chủ sở hữu. Điều đó cho thấy gần như toàn bộ tài sản của Công ty đều được hình thành chủ yếu bằng vay nợ. Quan ngại hơn, nợ ngắn hạn lại chiếm đến 94% tổng nợ phải trả. Điều đó sẽ gây áp lực cho Thủy sản số 4 trong việc thanh toán các khoản nợ đang tới hạn.
Cuối quý 2/2017, tỷ số khả năng thanh toán ngắn hạn nhỏ hơn 1 cho thấy Công ty đang ở trong tình trạng tài chính tiêu cực, có khả năng không trả được các khoản nợ khi đáo hạn. Trong cơ cấu nợ ngắn hạn, vay và nợ thuê tài chính là 730 tỷ đồng, chiếm tới 78,5% tổng nợ ngắn hạn. Còn trong cơ cấu tổng tài sản ngắn hạn của Công ty hàng tồn kho đạt 646,88 tỷ đồng (tăng 4,6% so với đầu năm 2017) và chiếm tỷ trọng tới 70%. Vì vậy, việc trả các khoản nợ ngắn hạn của Công ty phụ thuộc rất nhiều vào việc bán các mặt hàng tồn kho trong thời gian tới.
Ý kiến ngoại trừ của kiểm toán AISC:
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2007, ĐHĐCĐ của Công ty đã thông qua kế hoạch đầu tư nhà máy tại Khu công nghiệp Long Hậu, tỉnh Long An thông qua Công ty CP Toàn Thắng với giá trị đầu tư 26 tỷ đồng theo Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 28/3/2008. Giá trị đầu tư tại Khu công nghiệp Long Hậu sẽ được bổ sung thêm mỗi năm theo Nghị quyết ĐHĐCĐ hàng năm. Tuy nhiên, theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty CP Toàn Thắng số 1100787209, đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 11/9/2009 thì danh sách các cổ đông không có tên Công ty CP Thủy sản số 4, mà chỉ thể hiện tên cá nhân của các thành viên HĐQT và thành viên Ban tổng giám đốc của Công ty. Việc đầu tư với danh nghĩa của các thành viên HĐQT và thành viên Ban tổng giám đốc có phù hợp và hợp pháp hay không phụ thuộc vào quyền quyết định của ĐHĐCĐ.