Tổng vay nợ của EVN CPC liên tục tăng trong các năm 2014 – 2016. Ảnh: Thế Anh |
Nguyên nhân chính là chi phí lãi vay tăng cao do tổng vay nợ của doanh nghiệp này liên tục tăng trong giai đoạn 2014 - 2016.
Doanh thu không bù đắp đủ chi phí
Theo báo cáo tài chính bán niên 2017, doanh thu quý II/2017 của EVN CPC đạt 7.429 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý II đạt 72 tỷ đồng, giảm hơn một nửa so với 183 tỷ đồng đạt được trong quý II/2016.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, mặc dù doanh thu tăng gần 8% so với 6 tháng đầu 2016, từ 12.384 tỷ đồng lên 13.363 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế của EVN CPC lại âm gần 46,5 tỷ đồng. Cùng kỳ năm 2016, Tổng công ty lãi tới 113,5 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn tới lợi nhuận âm của EVN CPC trong nửa đầu năm 2017 là do tất cả các khoản mục chi phí đều tăng cao hơn tốc độ tăng của doanh thu. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 87,5%, từ 120 tỷ đồng lên 225 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay là 222 tỷ đồng, chiếm 98,6% chi phí tài chính. Chi phí bán hàng tăng 14%, từ 215 tỷ đồng lên 246 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 25,6%, từ 281 tỷ đồng lên 353 tỷ đồng.
Trong năm 2017, EVN CPC đặt chỉ tiêu hơn 36.245 tỷ đồng doanh thu và 625,75 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế mà chưa tính tới chênh lệch tỷ giá. Như vậy, nửa đầu năm, EVN CPC mới chỉ hoàn thành gần 37% kế hoạch doanh thu. Để hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế thì 6 tháng cuối năm EVN CPC phải tạo ra 672,25 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Điều này có thể sẽ khó thực hiện, vì lợi nhuận trước thuế bình quân giai đoạn 2014 - 2016 của EVN CPC là hơn 598 tỷ đồng. Trong báo cáo đánh giá về kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và 3 năm 2014 - 2016, EVN CPC đã ước mức lợi nhuận sau thuế cả năm 2017 chỉ là 141 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ở mức 172,5 tỷ đồng, bằng 27% so với kế hoạch ban đầu và bằng 28,7% so với con số thực hiện được năm 2016.
Nợ vay liên tục tăng
Như đã phân tích ở trên, nguyên nhân chính dẫn đến lợi nhuận âm của EVN CPC là chi phí lãi vay tăng mạnh so với cùng kỳ 2016. Tại thời điểm cuối quý II/2017, tổng vay nợ (nợ ngắn hạn và dài hạn) của EVN CPC là 10.031 tỷ đồng, tăng 4,6% so với thời điểm đầu năm 2017.
Trong giai đoạn 2014 đến 2016, tổng vay nợ của EVN CPC liên tục tăng. Cuối năm 2015, con số này đạt 8.083 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với thời điểm cuối năm 2014 và đến thời điểm cuối năm 2016, con số này tăng 18,6%, lên 9.586 tỷ đồng.
Số dư vay chủ yếu là các khoản vay ngoại tệ từ các định chế tài chính nước ngoài (WB, ADB, KFW) được giải ngân chủ yếu qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng và bảo lãnh thanh toán bởi Chính phủ.