Loạt dự án ở Đồng Nai tắc giải ngân vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho thấy tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ngân sách dành cho giải phóng mặt bằng (GPMB) đang rất thấp. Tình trạng thiếu mặt bằng sạch dẫn tới nguy cơ chậm tiến độ các dự án xây dựng đang tạo áp lực rất lớn cho công tác giải ngân vốn đầu tư công của Đồng Nai trong các tháng còn lại năm 2024.
Dự án Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa (từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn) chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Ảnh: Như Nguyệt
Dự án Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa (từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn) chậm tiến độ do vướng mặt bằng. Ảnh: Như Nguyệt

Cụ thể, Tiểu dự án Bồi thường GPMB Dự án thành phần (DATP) 1 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có tỷ lệ giải ngân bằng 0 đồng tại thời điểm báo cáo (ngày 26/3). Năm 2024, lượng vốn bố trí GPMB cho DATP 1 rất lớn, hơn 2.036 tỷ đồng. Không chỉ vậy, kế hoạch vốn GPMB năm 2023 DATP này là 800 tỷ đồng, nhưng chỉ giải ngân đạt 15,16% kế hoạch.

Tương tự, số vốn giải ngân cho DATP 4 Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) đường Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng là 0 đồng. Dự án do UBND huyện Nhơn Trạch làm Chủ đầu tư, kế hoạch vốn năm 2024 là 691 tỷ đồng. Trước đó, năm 2023, UBND huyện Nhơn Trạch đã giải ngân 488 tỷ đồng vốn kế hoạch được bố trí.

Không chỉ 2 công trình giao thông trọng điểm quốc gia kể trên, báo động “đỏ” về tình trạng giải ngân vốn GPMB còn diễn ra ở nhiều dự án giao thông trọng điểm khác của tỉnh Đồng Nai. Đơn cử Dự án Bồi thường, hỗ trợ và TĐC Dự án Đường trục trung tâm TP. Biên Hòa (từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn) do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai làm Chủ đầu tư. Năm 2024, tổng vốn kế hoạch bố trí cho Dự án là 98,664 tỷ đồng, kết quả giải ngân tới cuối tháng 3 vẫn ở vạch xuất phát. Năm 2023, Dự án được bố trí hơn 1.047 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt 50,59% kế hoạch. Dự án Nâng cấp đường ĐT.763 đoạn từ Km0+000 đến Km29 +500 huyện Định Quán và huyện Xuân Lộc được bố trí 89,197 tỷ đồng vốn cho GPMB nhưng hiện mới giải ngân được 1,25%...

Ông Nguyễn Như Quang, Chỉ huy trưởng công trình thuộc Công ty CP Xây dựng hạ tầng CII, nhà thầu đảm nhiệm thi công Gói thầu số 11 thuộc Dự án Xây dựng đường trục trung tâm TP. Biên Hòa, đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn cho biết, Nhà thầu bắt tay thực hiện hợp đồng từ tháng 12/2022, nhưng tới tháng 10/2023, khi vướng mắc về giải tỏa các lồng, bè nuôi cá được hoàn tất và mặt bằng 2 phía đầu cầu dần được bàn giao, tiến độ thi công Gói thầu số 11 mới được cải thiện. Do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài nên hiện nay, khối lượng thực hiện mới đạt 105 tỷ đồng, tương đương 22% giá trị hợp đồng.

Theo tìm hiểu, nút thắt lớn nhất các dự án là khâu GPMB. Mới đây tại Hội nghị đánh giá tác động của Luật Đất đai 2024, nhiều ý kiến cho rằng, để GPMB cần cơ chế hỗ trợ người dân chậm được bố trí TĐC. Ông Nguyễn Hồng Quế, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án bồi thường, GPMB và hỗ trợ TĐC tỉnh Đồng Nai cho biết, thực tế nhiều dự án đã khởi công nhưng vẫn loay hoay thủ tục để làm khu TĐC, có khi đi sau cả vài năm, dẫn đến người dân chưa đồng thuận cao, chậm bàn giao mặt bằng. Nếu khâu TĐC kịp thời, tại chỗ, đáp ứng tiêu chí nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ thì người dân sẵn sàng bàn giao mặt bằng. Cơ chế hỗ trợ người dân chậm được bố trí TĐC nếu được triển khai sẽ tạo bước chuyển căn bản về GPMB cho các dự án trọng điểm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tính đến giữa tháng 3/2024, tổng nguồn vốn đã giải ngân ở các công trình, dự án trọng điểm khoảng hơn 313 tỷ đồng, đạt 6,33% kế hoạch. Năm 2024, Đồng Nai giao nguồn vốn kế hoạch cho nhóm dự án trọng điểm cao hơn năm 2023 khoảng 438 tỷ đồng, chiếm 53,89% kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách tỉnh năm nay (9.183 tỷ đồng).

Tình trạng chậm GPMB dẫn tới nguy cơ kéo chậm tiến độ giải ngân các dự án xây dựng của tỉnh Đồng Nai và tạo áp lực rất lớn trong các tháng còn lại năm 2024. Số liệu thống kê đến giữa tháng 3/2024, tỷ lệ giải ngân chung của Đồng Nai đạt 5,46% so với tổng kế hoạch vốn. Đáng chú ý, tiến độ xây dựng 2 dự án trọng điểm là DATP 1 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, DATP 3 Vành đai 3 - TP.HCM đoạn qua tỉnh Đồng Nai đang chậm so với kế hoạch.

Chuyên đề