Liệu Mỹ có bước vào suy thoái - câu hỏi hóc búa khiến thị trường tài chính rơi vào hỗn loạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các ngân hàng đầu tư và nhà quản lý tài sản đưa ra những dự đoán rất khác nhau về thị trường chứng khoán và tiền tệ năm 2024, phản ánh sự chia rẽ sâu sắc về việc liệu nền kinh tế Mỹ có bước vào một cuộc suy thoái đã được báo trước từ lâu và kéo cả thế giới theo đó hay không.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Sự thiếu đồng thuận giữa các nhà kinh tế hoàn toàn trái ngược với một năm trước, khi hầu hết dự đoán về một cuộc suy thoái ở Mỹ và việc cắt giảm lãi suất nhanh chóng đều không thành hiện thực. Nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận mức tăng trưởng 5,2% trong quý III năm nay.

Sự bất đồng này đã dẫn đến một loạt dự báo về lộ trình lãi suất tại Mỹ và hiệu quả hoạt động của các tài sản toàn cầu chịu ảnh hưởng bởi các hành động của Cục Dự trữ liên bang (Fed).

Do đó, những người tham gia thị trường đang chuẩn bị cho một khởi đầu gập ghềnh cho năm mới sau đợt tăng mạnh vào tháng trước đối với cả cổ phiếu và trái phiếu dựa trên sự đồng thuận ngắn hạn rằng lạm phát và lãi suất đang trên đà đi xuống.

Sonja Laud, Giám đốc đầu tư tại Legal & General Investment Management, cho biết: "Việc Mỹ hạ cánh cứng hay hạ cánh mềm sẽ là yếu tố quyết định tới xu hướng của thị trường. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa rõ ràng".

Dữ liệu giao dịch hợp đồng quyền chọn cho thấy, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến việc bảo vệ danh mục của họ khỏi sự biến động tăng cao của thị trường chứng khoán sắp tới.

Các nhà kinh tế được Reuters thăm dò dự đoán, mức tăng trưởng GDP trung bình của Mỹ trong năm 2024 là 1,2%.

Theo Reuters, các nhà kinh tế đều thống nhất rằng, chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ của Fed sẽ khiến kinh tế Mỹ giảm tốc; song vẫn còn đó những quan điểm khác nhau về việc liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có suy thoái một vài quý trong năm 2024 để có thể thúc đẩy cắt giảm lãi suất và khiến suy yếu đồng USD hay không.

Amundi - công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Âu dự đoán, Mỹ sẽ suy thoái vào nửa đầu năm 2024, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến "đồng bạc xanh". Theo CIO Amundi Vincent Mortier, về ngoại hối, đồng Yên Nhật Bản sẽ là "điểm sáng" của thị trường khi ngân hàng trung ương nước này dự kiến sẽ từ bỏ chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng.

Trong khi đó, Morgan Stanley cho rằng, Mỹ sẽ không suy thoái kinh tế và Fed có thể giữ lãi suất ở mức cao trong năm tới.

Đối với thị trường chứng khoán, Deutsche Bank dự báo, chỉ số S&P 500 sẽ tăng lên đạt 5.100 điểm, trong bối cảnh sẽ có một cuộc suy thoái nhẹ vào nửa đầu năm 2024 và lãi suất được cắt giảm 175 điểm cơ bản. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 đã tăng 19%, lên 4.567 điểm.

JP Morgan cũng cho rằng một cuộc suy thoái có thể xảy ra và chỉ số S&P 500 kết thúc năm 2024 ở mức 4.200 điểm, trong khi Goldman Sachs nhận định rủi ro suy thoái ở mức thấp.

Hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng, giai đoạn lạm phát tăng mạnh trên toàn cầu đã đi qua. Tuy nhiên, liệu điều này có nghĩa lãi suất sẽ được cắt giảm đáng kể, thường làm tăng giá trái phiếu khi lợi suất giảm hay không. Đây không phải là điều mà các nhà đầu tư có chung quan điểm.

Quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới PIMCO cho rằng, khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ trong năm 2024 là 50% và khuyến nghị đầu tư vào trái phiếu chính phủ hơn là cổ phiếu.

Các chiến lược gia của HSBC dự báo, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm ở mức 3% vào cuối năm 2024, giảm so với mức khoảng 4,3% hiện nay.

Trong khi đó, Adrian Gray - Giám đốc đầu tư toàn cầu tại Insight Investment Management cho rằng, thị trường trái phiếu chính phủ đã biến động quá lớn. "Chúng ta đang chứng kiến khả năng Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh đều cắt giảm lãi suất từ khoảng quý III năm sau. Hiện tại, thị trường trái phiếu chính phủ đang định giá cao hơn thế và dự kiến lợi suất sẽ tăng "một chút" từ bây giờ", ông Adrian Gray nhận định.

Chuyên đề