Lấy ý kiến sửa đổi Luật Đầu tư công và 4 Luật (Quy hoạch, Đầu tư, PPP, Đấu thầu) tại Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 9/9, tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu đối với các địa phương 2 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương chủ trì Hội thảo.
Đại diện lãnh đạo, chủ đầu tư tại các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ - Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo
Đại diện lãnh đạo, chủ đầu tư tại các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Trung Bộ - Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Đối với Luật Đầu tư công (sửa đổi), trước khi ghi nhận ý kiến đóng góp từ các địa phương, đại diện Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KHĐT đã thông tin đến các đại biểu về các nội dung tiến hành lấy kiến đối với 5 nhóm chính sách lớn, gồm: Thể chế hoá các cơ chế, chính sách thí điểm đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; Thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; Đơn giản hoá trình tự, thủ tục, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Có 16 ý kiến được ghi nhận đóng góp cho Luật Đầu tư công (sửa đổi) từ các địa phương để cơ quan soạn thảo bổ sung, nghiên cứu bổ sung vào Dự thảo như: quy định về điều chỉnh chủ trương đầu tư; điều chỉnh thời gian bố trí vốn, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án; quy định tách dự án giải phóng mặt bằng (GPMB) thành tiểu dự án và giao các địa phương (cấp tỉnh, huyện và xã làm chủ đầu tư); việc tách dự án đền bù, GPMB cần cụ thể hóa đối với dự án đầu tư hàng năm và dự án đầu tư trung hạn…

Ngoài ra, các địa phương đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định các dự án đầu tư theo cam kết về lĩnh vực văn hoá, lịch sử cấp cao của hai tỉnh; quy định cho sử dụng vốn dư đối với việc quản lý sử dụng vốn ODA hiện nay phải lấy ý kiến các bộ, ngành để phê duyệt chủ trương đầu tư mất thêm thời gian...

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, Hội thảo xuất phát từ chủ trương về hoàn thiện thể chế pháp luật cũng như tạo các đột phá trong công tác thể chế của Đảng và Nhà nước, công tác rà soát, đánh giá quá trình thực hiện các luật, đặc biệt là những luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh trong thời gian vừa qua đã được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Trên cơ sở nghiên cứu, rà soát, đơn vị soạn thảo đang dự thảo 2 luật để trình Quốc hội sắp tới. Đây là những lĩnh vực sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

“Trong quá trình rà soát các luật, Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban cũng như Bộ KHĐT đã nhận được nhiều ý kiến từ thực tế, phản ánh về những khó khăn, vướng mắc đang được cho là điểm nghẽn của luật pháp trong quá trình triển khai. Những điểm nghẽn này đã được nhận diện và đánh giá nguyên nhân cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm để có thể đề xuất giải pháp sửa đổi phù hợp trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết.

Đầu tiên là thể chế hóa những quyết sách của Đảng và Nhà nước trong các Nghị quyết cũng như văn bản chỉ đạo điều hành về các cơ chế chính sách đặc thù để áp dụng, tạo bước đột phá cho các địa phương. Trong đó, lựa chọn một số chính sách đặc thù có thể nghiên cứu nâng tầm luật hóa lên được ngay để trình Quốc hội thông qua, áp dụng rộng rãi trong cả nước. Để có Dự thảo trình Quốc hội, Bộ KH&ĐT đã nghiên cứu các tác động để kiến nghị có thể cho áp dụng ngay mà không cần phải đợi đến thời gian tổng kết, đánh giá. Những cơ chế đặc thù điển hình như việc tách GPMB thành dự án độc lập hay những cơ chế đối với những dự án có mô hình quản lý mới như là dự án đi qua 2 địa phương trở lên, dự án hỗn hợp...

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội thảo

Bước đột phá thứ hai là tinh thần phân cấp, phân quyền triệt để, mạnh mẽ, mạnh dạn kiến nghị với Quốc hội để có sự thay đổi về thẩm quyền từ lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư cho đến tổ chức triển khai thực hiện và xử lý các tình huống trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án nếu có phát sinh.

Đột phá nữa theo Bộ KH&ĐT là về cải cách thủ tục hành chính. Trong quá trình rà soát các quy định của pháp luật, rất nhiều thủ tục qua đánh giá hiện nay được coi là rườm rà, mất nhiều thời gian. "Lần này, Bộ KH&ĐT đề xuất cắt giảm các thủ tục không cần thiết. Thậm chí, qua đánh giá trước đây, những thủ tục đó là bắt buộc nhưng không đem lại giá trị thì có thể lược bớt để thủ tục nhanh gọn, hiệu quả", Thứ trưởng cho biết.

Liên quan đến các dự án về ODA, dự thảo lần này thiết kế một chương riêng để tạo bước đột phá. Qua rà soát nhận thấy, trong suốt những năm vừa qua, sử dụng vốn ODA gặp nhiều trở ngại, chủ yếu là vấn đề thủ tục.

Điểm nữa cũng rất mới trong việc khảo sát các luật lần này là làm rõ các cái khái niệm cũng như là các điều khoản quy định để thống nhất cách hiểu, tránh những tình huống một quy định có thể hiểu được nhiều cách khác nhau.

Điểm đột phá cuối cùng đó là liên quan đến sự chủ động, linh hoạt trong huy động và sử dụng nguồn lực… Với các dự thảo luật lần này, Bộ KH&ĐT kỳ vọng, nếu Quốc hội thông qua sẽ tạo hiệu ứng tích cực trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng được nguồn lực cho nền kinh tế, phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước.

Chuyên đề